Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cánh én mang xuân đến biên cương

Tạp Chí Giáo Dục

Thằng bé tên Tun, làn da đen nhẻm nhảy chân sáo tiến về phía cổng điểm trường Trà Cương (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi), miệng cười tươi và hát bài về mái trường của em. Một bà lão đứng bên đường, miệng ngậm tẩu thuốc nhìn theo cười thật tươi: “Nó mừng vì vừa có trường mới thay cho mái trường tạm xập xệ bốn mùa mưa dột đó”.

Những món quà én nhỏ vùng cao đến bản Cuôi (Hướng Hóa, Quảng Trị)

Những mái trường của “Bạn thương nhau”

Trà Nham là một vùng đất nghèo. Thiệt thòi nhất là học sinh phải ngồi học trong những ngôi trường tạm xập xệ, gió lạnh thốc vào tê buốt… Đầu năm học 2016-2017, CLB Bạn thương nhau đã tài trợ xây 3 phòng học và 1 phòng nội trú giáo viên. Khó khăn được san sẻ. Trà Cương là điểm trường thứ 4 được CLB Bạn thương nhau ở Đà Nẵng kêu gọi hỗ trợ xây dựng. Anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng CLB cho biết: “Đối với các công trình, việc khảo sát luôn được tính toán kỹ. Nhưng vất vả khó lường hết. Có điểm trường cách xa khu dân cư đến chục cây số, thợ xây ngày 3 bữa phải ăn mì tôm, di chuyển từ mờ sáng nhưng ngày chỉ làm được vài tiếng đồng hồ vì mưa rừng. Có công trình dự kiến xây 2 tuần kéo dài gần 2 tháng”.

Nam kể: “Việc xây trường xuất phát từ năm 2013, trong một chuyến công tác miền núi, chứng kiến cảnh các em học trò điểm trường Nước Ui (Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) học trong căn phòng tranh tre nứa lá ọp ẹp giữa mưa rừng gió núi. Sau chuyến đi ấy, nhóm kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân”. Điểm trường đầu tiên ấy ban đầu dự kiến 70 triệu nhưng khi hoàn thành, các chi phí xây dựng tăng vọt lên 220 triệu đồng. Có lúc anh phải bỏ tiền túi ra bù. Thợ xây kiếm đã khó, còn có người bỏ về…”. Rồi năm 2014, nhóm bắt tay vào kêu gọi xây dựng phòng nội trú cho Trường Tiểu học Trà Khê (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi). Tiếp một năm sau đó, nhóm lại xây dựng điểm trường Tăk Rân (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Anh nói, Tăk Rân là công trình để lại nhiều ấn tượng nhất, có quy mô lớn 2 phòng học xây, 3 phòng học gỗ lợp la phông, lót gạch men, cùng 1 phòng nội trú cho giáo viên. “Hoàn tất công trình tổng cộng tiền xây dựng lên đến 555 triệu đồng. Đây là điểm trường xa nhất, khó khăn nhất và cũng khiến cho anh em hao tâm tổn lực nhất”.

Hỏi anh điều gì giúp anh vượt qua khó khăn ngần ấy? Anh cười: “Quý nhất là tình cảm bà con đồng bào và trẻ em dành cho mình. Cái đáng quý nữa là sự nỗ lực không ngại khổ của anh em thợ xây. Hồi đó, anh Sơn thợ xây trong một lần di chuyển đến điểm trường bị ngã, chiếc nhẫn cưới bị tuột mất. Buồn vì không giữ được tín vật tình yêu nhưng anh từ chối khi nhóm có nhã ý bù lại một chiếc nhẫn khác. Chưa hết, thấy bà con nghèo, anh tặng luôn cả áo ấm, quần dài đang mặc. Những tấm lòng ấy thôi thúc mình tiếp tục…”.

Đến bữa cơm, tấm áo ấm tình

Cũng trong những chuyến đi công tác, năm 2014, khi đến xã Trà Khê (Tây Tà, Quảng Ngãi), chứng kiến cảnh học trò ăn cơm với muối ớt trong bao nilon. Thương đến ứa nước mắt. Anh lập tức đăng vài tấm hình lên facebook kêu gọi mạnh thường quân chung tay. Không lâu sau, khu nội trú xây lên, bữa cơm có thịt đã thành hiện thực. Năm học 2016-2017, chương trình lại tiếp tục tại 4 điểm lẻ thuộc Trường Tiểu học số 2 của xã Trà Phong (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) với 100 học sinh được tài trợ bữa ăn. Cô Đỗ Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường, xúc động: “Trước đây, với các em học sinh ở xa, được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng nhưng nhà trường chưa có khu nội trú, chưa có điều kiện thuê cấp dưỡng nên mỗi tháng phụ huynh nhận tiền, bới cơm cho con. Tuy nhiên họ ít quan tâm đến con cái nên đa phần chỉ có cơm và muối ớt. Từ ngày có bữa cơm có thịt, bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, các em đến lớp đều đặn”.

Mỗi năm nhóm Bạn thương nhau thực hiện 6, 7 chuyến đi tình nguyện trao quà cho các học sinh vùng cao, khó khăn hiểm trở. Có những chuyến đi, chưa kể thời gian khảo sát. Vất vả là chuyện thường, miễn phải đến được nơi xa nhất, khó nhất, tìm đến người cần nhất. “Có lần nhóm đi trao quà ở các bản Trỉa (Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)… Chưa tới 10 giờ sáng, nhóm xuất phát từ bìa rừng vào đến bản đã 4 giờ chiều. Phát quà cho bà con đến 5 giờ nhóm trở về, nhưng trời tối nhanh, mưa lớn khiến cả nhóm nhanh tốn sức. Lúc ấy lương thực hết, nước uống cạn, trên đường đi còn gặp cả đá núi lăn xuống… nửa đêm nhìn thấy ánh lửa của bác tài xế đợi, cả nhóm mới thở phào. Hôm sau vào bản Cuôi (xã Hướng Lập, Hướng Hóa), dù được sự hỗ trợ của đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đóng trên địa bàn nhưng đường đi cũng vô cùng vất vả, chiếc xe reo chở hàng dằn xóc kinh khủng, qua hàng chục con suối, đường chỉ là một lối mòn hoẵm sâu trong bùn và đá, có nhiều đoạn lại phải xuống lần mò đi bộ. Chặng đường 18 cây số, phải mất 3 giờ đồng hồ mới vào tận bản. Nhưng khi thầy giáo cùng học trò và dân bản ùa ra chào đón, nhìn nụ cười trên môi họ, quên đi hết mệt nhọc”, anh Nam trải lòng.

Chút xuân ấm trên rẻo cao

Khu nội trú cho học sinh ở Trà Khê (Quảng Ngãi) 

Hành trình của nhóm vẫn tiếp tục mang xuân ấm đến trẻ vùng cao. Anh Nam cho biết, song hành với những món quà động viên các em và bà con, mục tiêu của nhóm hướng đến là tặng cho họ những gì cần thiết, mang tính bền vững hơn, khuyến khích tinh thần hiếu học. “Mỗi chuyến tặng quà sẽ có những phần quà đặc biệt dành riêng cho các em có học lực giỏi để kích thích sự thi đua trong các bạn khác. Bên cạnh đó, mỗi năm nhóm phấn đấu xây dựng một điểm trường, độ bền ít nhất 10 đến 15 năm để giúp các điểm khó khăn có phòng học đàng hoàng”, anh Nam cho biết thêm.

Hỏi anh sau những chuyến đi ấy, điều gì đọng lại? Anh bảo, nhiều lắm. Nhớ những cú ngã trượt dài trên cung đường núi đầy bùn đất đỏ. Nhớ cái đêm rét tê tái lúc xây điểm trường Tăk Rân, anh em ăn cơm giữa nhập nhoạng ánh đèn pin, sương giá phủ vây tứ bề. Nhớ bếp lửa nhà sàn của bác trưởng bản, nửa đêm nghe bác kể chuyện về đời sống vùng cao. Nhớ ánh mắt của lũ trẻ trong vắt, nụ cười hồn nhiên giữa muôn vàn thiếu thốn… Nhưng cảm động nhất là chuyện về hai cô giáo Lê Thị Duy Hiền và Nguyễn Kim Tuyên, ở điểm trường Tiểu học Trà Cương (Quảng Ngãi). Ngày đó hai cô đang dạy học ở một điểm lẻ cách trung tâm xã cả chục cây số đường rừng. 11 giờ đêm trở dạ do động thai, các đồng nghiệp cùng chục thanh niên của bản thay nhau võng cô, đến sáng mới tới trạm y tế xã để cấp cứu. “Những con người ấy, họ không chỉ đánh đổi tuổi thanh xuân mà còn đánh cược cả mạng sống của con cái mình vì hành trình gieo chữ ở vùng cao”, anh nói. Thế là sau những vất vả ấy của mình, càng thấy thương và khâm phục hơn những người lặng thầm cắm bản. Đó là động lực để đi. Chỉ có những người giáo viên cắm bản mới xứng đáng nhận được nhiều nhất!

Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)