Ở các phòng tập thể dục chật chội, không vệ sinh, cộng với không khí nóng nực… sẽ là điều kiện dễ phát sinh bệnh, nhất là các bệnh da liễu.
Vào dịp hè, số lượng người đến các phòng tập thể dục thường tăng cao. Ở những nơi có cơ sở vật chất chật chội, không vệ sinh, cộng với không khí nóng nực… sẽ là điều kiện dễ phát sinh bệnh, nhất là các bệnh da liễu.
Thời điểm mùa hè cũng là cao điểm bệnh nhân đến bệnh viện da liễu khám bệnh tăng hơn so với các mùa khác. Có người đến khám với biểu hiện nổi mẩn đỏ ở lưng, ngứa. Có người lại có vết tròn, ngứa như bị hắc lào…
Khi mắc bệnh da cần ngừng tập
TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào đưa ra cảnh báo chính thức các bệnh lây nhiễm từ phòng tập thể dục. Bệnh nhân đến khám với nhiều biểu hiện khác nhau và nhiều khi cũng không nhớ hết đã tiếp xúc với những vật gì, đâu là nguyên nhân chính. Do đó, bác sĩ chỉ khám và điều trị dựa trên biểu hiện bệnh. “Tuy nhiên trong thời điểm nắng nóng, lượng người tập trung đông, cơ sở vật chất không đảm bảo, mỗi khi tập mồ hôi tiết ra nhiều… là những điều kiện thuận lợi để xuất hiện các bệnh về da.
Để giảm nguy cơ lây bệnh từ phòng tập, nên rửa tay trước và sau khi sử dụng các trang thiết bị, tắm bằng xà bông diệt khuẩn và mặc quần áo sạch ngay sau khi tập… Ảnh chỉ mang tính minh hoạ.
|
Chỉ cần một người bị viêm, ngứa bề mặt da thôi sẽ rất dễ lây sang người khác do dùng chung đồ dùng trong phòng tập. Các bệnh thường mắc phải là viêm da, ghẻ, hắc lào…”, BS Sáu nói. Cũng theo BS Sáu, những nơi hay ra mồ hôi như cổ, khoeo chân, tay… là dễ bị viêm da nhất. Ban đầu, ở các vùng da nhiễm bệnh xuất hiện những vết đỏ, bề mặt có những mụn nhỏ li ti và ngứa. Lâu dần, những chỗ viêm này ngứa dữ dội hơn, nếu gãi mạnh sẽ gây ra sưng tấy.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc bệnh viện da liễu Hà Nội lưu ý người mắc các bệnh da liễu cần ngừng tập, điều trị cho khỏi hẳn rồi tiếp tục, để bảo vệ sức khoẻ chính mình và tránh lây lan cho người khác, “Các bệnh về da cần điều trị lâu dài, kiên trì nếu không rất dễ tái đi, tái lại. Nhiều khi chỉ là những vết nhỏ nhưng điều trị không đúng cách làm lây lan rộng, nặng hơn…”, BS Quang nói.
Để tránh lây bệnh từ phòng tập
Theo tài liệu nghiên cứu của hiệp hội Huấn luyện viên lực sĩ quốc gia Mỹ, nhiễm trùng da và bị nấm da từ các phòng tập thể dục là hiện tượng rất phổ biến. Mồ hôi, trầy xước và tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các thương tổn, chất bài tiết của người khác sẽ làm cho da dễ bị bệnh. Đã từng có một vận động viên cử tạ sau một buổi tập trở về phát hiện một mụt nước nhỏ trên cánh tay nhưng không xử lý kịp thời. Sau đó mụt nước sưng to, gây đau đớn. Đến bệnh viện khám mới biết bị nhiễm MRSA, một căn bệnh nhiễm khuẩn tụ cầu, có thể gây chết người nếu không điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bị lây bệnh từ phòng tập thể dục, BS Sáu đưa ra lời khuyên: “Nên chọn phòng tập có chất lượng. Nếu tập ở các phòng bình dân nên chú ý đến việc vệ sinh. Sử dụng khăn tập riêng. Sau khi tập xong nên vệ sinh sạch sẽ thân thể. Trong trường hợp da có các biểu hiện khác thường nên dừng tập, giữ vệ sinh cơ thể và đến các cơ sở điều trị chuyên về da liễu thăm khám. Tuyệt đối không sử dụng tuỳ tiện các loại thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ”.
Trắc nghiệm nguy cơ lây bệnh
Nếu bạn trả lời “không” cho bất kỳ câu hỏi nào dưới đây, bạn có nhiều nguy cơ bị lây bệnh từ phòng tập thể dục công cộng:
– Khi đến phòng tập bạn có rửa tay trước và sau khi sử dụng các trang thiết bị ở đó không?
– Bạn có mang theo tấm thảm sạch của riêng mình để tập bài nằm trên sàn không?
– Bạn có tắm bằng xà bông diệt khuẩn và mặc quần áo sạch ngay sau khi tập không?
– Bạn có sử dụng khăn, dao cạo, xà bông, chai nước riêng không?
|
Theo SGTT
Bình luận (0)