Gần đây lại rộ lên hiện tượng lừa đảo nạp tiền điện thoại di động. Các chiêu lừa phổ biến như: nhắn tin SMS hoặc nhờ bạn chat (tán gẫu) mua giúp thẻ cào, hướng dẫn cách dùng một thẻ cào nạp tiền được nhiều lần…
Nội dung tin nhắn bạn chị O. nhận được từ số máy của chị – Ảnh: Gia Tiến |
Kẻ lừa đảo chủ yếu lợi dụng sự mất cảnh giác của người dùng và sự tin tưởng của họ vào bạn bè qua số điện thoại cá nhân hay nickname chat. Mặc dù Tuổi Trẻ đã hơn một lần báo động các chiêu lừa tưởng chừng khá đơn giản này nhưng nhiều người dùng vẫn tiếp tục bị sập bẫy.
1. Rộ lên mạnh nhất hiện nay là chiêu lừa qua các chương trình chat phổ biến như: Yahoo! Messenger, Skype. Người dùng bỗng nhiên nhận tin nhắn chat của bạn mình (trong danh sách bạn chat) với nội dung đại loại như: đang có công việc rất gấp cần phải gửi email nhưng lại quên mất mật khẩu; hoặc cần phải liên lạc gấp nhưng điện thoại hết tiền, lại đang ở chỗ không mua được thẻ cào…
Bạn chat theo nhiều cách sẽ dồn yêu cầu cần trợ giúp khẩn gấp khiến người nhận tin nhắn chat không kịp cảnh giác và bị cuốn theo. Lúc đó, bạn chat sẽ đưa ra yêu cầu nhờ mua giúp thẻ cào để nạp tiền điện thoại hoặc mượn mật khẩu để gửi email.
Những chiêu lừa ở trên vẫn đang tiếp tục tấn công nhiều người dùng điện thoại di động và các chương trình chat. Người dùng cần cảnh giác cao độ với những nội dung liên quan đến nhờ vả nạp thẻ cào hay mượn mật khẩu. Những người bị mất mật khẩu chat hay mất điện thoại nên nhanh chóng thông báo cho bạn bè biết, cũng như nhờ tổng đài mạng điện thoại khóa số nhằm phòng tránh những thiệt hại liên lụy cho bạn bè, người quen. |
Nhiều người không những đi mua gấp thẻ cào điện thoại giúp “bạn” mà còn trao luôn mật khẩu email (thường cũng chính là mật khẩu chương trình chat). Kẻ lừa đảo sau khi lấy được mật khẩu lại tiếp tục chiêu lừa tương tự với những người khác trong danh sách bạn chat của nạn nhân vừa sập bẫy.2. Cũng là một kiểu lừa qua chương trình chat nhưng chiêu lừa này lại núp bóng dưới hình thức hướng dẫn thủ thuật dùng một thẻ cào nạp tiền điện thoại nhiều lần. Cụ thể, kẻ lừa đảo có thể dùng một nickname chat lạ hoắc hoặc nickname của một nạn nhân đã bị lừa như ở trên để vào chat với bạn, và “vô tình” tiết lộ thủ thuật nạp tiền điện thoại mới cho phép dùng một thẻ cào có thể nạp tiền 10-15 lần vào tài khoản điện thoại.
Người dùng có thể nghi ngờ nếu kẻ lừa đảo dùng nickname lạ nhưng với một nickname quen thuộc của bạn bè (trong danh sách bạn chat) có thể khiến nhiều người dùng cả tin. Kẻ lừa đảo sẽ dụ người dùng mua thẻ cào và gửi mã số nạp tiền để chúng chỉ cách nạp được nhiều lần như trên.
Hình thức lừa đảo này khá nguy hiểm bởi kẻ lừa đảo thường sử dụng các nickname mà chúng đã đánh cắp của người dùng để lừa những bạn chat của họ. Sự tin tưởng qua bạn chat khiến nguy cơ bị lừa rất cao.
3. Nhiều người dùng bỗng nhận được tin nhắn SMS từ một số máy lạ (thường là số điện thoại 11 số) với nội dung kiểu như: “Trang nè, khỏe không?” hay “Thủy nè, khỏe không?”… Một số người có người quen, bạn bè trùng tên có thể ngờ ngợ: “Chắc bạn mình đổi số” nên sẽ trả lời hỏi thăm lại. Khi đó kẻ lừa đảo sẽ tung bẫy bằng tin nhắn có việc gấp rất quan trọng và cần giúp đỡ mua thẻ cào. Một số người dùng vẫn bị lừa bởi hình thức rất đơn giản này.
Trường hợp hi hữu Tuổi Trẻ vừa ghi nhận được là của chị O. (Q.1, TP.HCM). Chị O. bị mất điện thoại từ tối 27-6 nhưng không biết nên không kịp báo tổng đài khóa số điện thoại của mình. Hậu quả chỉ trong một buổi tối đã có vài người bạn của chị bị lừa mất tiền oan.
Cụ thể, kẻ lấy điện thoại của chị O. đã nhắn tin đến rất nhiều người trong danh sách liên lạc điện thoại của chị với nội dung nhờ mua gấp thẻ cào MobiFone vì đang có công việc cần liên lạc gấp. Nhiều người nhận tin nhắn đã nghi ngờ không làm theo, nhưng cũng có một số người bạn thân quen đã không ngần ngại mua thẻ cào và gửi mã số nạp tiền qua tin nhắn SMS vào số điện thoại của chị O. Có người gửi thẻ nạp đến 300.000 đồng…
ĐỨC THIỆN (Theo TTO)
Bình luận (0)