Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác khi mua hàng qua mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Trần Hoàng và Lê Đình bị đưa ra xét xử về tội “Sử dụng mạng internet để chiếm đoạt tài sản”

Thời gian gần đây, nhiều người chọn loại hình mua hàng qua mạng vì không mất thời gian, nhanh gọn, tiện lợi. Nhưng trong số đó không ít khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” mà không biết kêu ai.

“Tiền mất tật mang”

Chỉ cần một cú click chuột có thể mua được bất kỳ một mặt hàng nào kèm theo những lời quảng cáo có cánh cam kết về chất lượng sản phẩm, giá cả, dịch vụ chuyển tiền và nhận hàng… Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đảm bảo được tất cả những điều đó và có trách nhiệm với sản phẩm bán ra. Nhiều người tiêu dùng vì ham rẻ, thích nhanh gọn nhưng lại muốn chất lượng cao nên đã dễ dãi, thờ ơ trong việc mua bán, trao đổi trên mạng. Nắm bắt được tâm lý đó các đối tượng xấu đã trục lợi bằng cách lập ra các trang mạng để câu khách, hay bán hàng kém chất lượng không giống như quảng cáo bằng các chiêu trò, thủ đoạn khác nhau để lừa đảo. Mới đây, TAND TP.HCM liên tục mở các phiên xét xử về tội “Sử dụng mạng internet để chiếm đoạt tài sản”, trong đó nhiều vụ án là mua hàng qua mạng. Bị cáo Phùng Đình Tân (SN 1977, ngụ Quảng Ngãi) và đồng bọn vừa bị tuyên phạt 7 năm tù do có hành vi lừa đảo khách hàng thông qua hình thức mua bán trên mạng. Theo đó bị cáo cùng đồng bọn đã sưu tập các sản phẩm như iPhone, iPad và các mặt hàng điện tử có thương hiệu trên mạng và đưa lên website rồi quảng cáo là “hàng chính hãng giá rẻ”. Nhưng thực chất sản phẩm không như quảng cáo, nhiều khách hàng còn rơi vào cảnh mất tiền mà không được giao hàng hoặc có giao thì cũng là hàng dởm, kém chất lượng. Ngoài hình thức lừa đảo là mua hàng qua mạng nhiều đối tượng còn tinh vi hơn sử dụng hình thức lập trang web kinh doanh và lôi kéo nhiều người tham gia bằng cách trả tiền thông qua việc mua mã thẻ. Vừa qua, chị Nguyễn Thị Minh Châu (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) và hàng chục người khác đã có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo của Trần Hoàng và Lê Đình. Đây là vụ án lừa đảo quy mô lớn thông qua việc lập công ty du lịch rồi câu khách đầu tư tiền kinh doanh. Các bị hại trong vụ án này chỉ biết kêu oan và hy vọng trả lại số tiền hàng trăm triệu đồng mà họ đã đầu tư vào làm ăn mong kiếm được số tiền từ trên trời rơi xuống nhưng quả thực điều này quá mong manh.

Thận trọng, tìm hiểu kỹ

Sự thờ ơ, dễ dãi, mất cảnh giác của nhiều người đã trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Nhưng chỉ đến khi hậu quả xảy ra mới thực sự tiếc nuối, ân hận thậm chí cuộc sống gia đình bị xáo trộn bởi mất số tiền quá lớn. Chủ tọa, thẩm phán Lê Thị Bích Ngọc (TAND TP.HCM) nhấn mạnh: “Chúng tôi là những người thực hiện cán cân công lý nên có nghĩa vụ lấy lại công bằng, quyền lợi cho các bị hại. Nhưng bản thân mỗi bị hại cũng cần phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định mua hàng hoặc đầu tư một số tiền lớn vào những đối tượng không quen biết. Đến khi hậu quả xảy ra thì bản thân chịu thiệt tiếp đến là ảnh hưởng đến nhiều người khác”. Chị Minh Châu (bị hại trong một vụ án) than thở: “Tôi quen biết với bị cáo mà còn bị lừa một cú ngoạn mục với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Xã hội bây giờ khó mà tin ai được!”. Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Việc bán hàng qua truyền hình, qua mạng là cách làm phổ biến ở những nước tiên tiến. Những năm gần đây ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh về chất lượng hàng hóa, giá cả, chưa có chế tài đối với trường hợp quảng cáo sai sự thật về chất lượng, giá cả hàng hóa… Khách hàng muốn mua hàng qua các hình thức này phải thận trọng, tìm hiểu kỹ nếu nghi ngờ thì không nhận hàng, không giao tiền”.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Một vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Để có bằng chứng tố cáo công ty bán hàng lừa đảo, hàng giá trị thấp mà bán giá cao, khách hàng có thể quay phim, chụp ảnh hàng nhận được từ bưu điện, có nhân viên bưu điện chứng kiến, sau đó đem món hàng đó định giá tại các đơn vị có chức năng”.

 

Bình luận (0)