Trong ngày 12-4, Bộ TT-TT đã gửi tin nhắn cho tất cả người dùng điện thoại di động: “Khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại”. Cần phải khuyến cáo như vậy, do gần đây xuất hiện nhiều chiêu lừa đảo qua điện thoại và qua mạng.
Bắt một băng nhóm người nước ngoài gồm 10 đối tượng giả danh cán bộ công an, kiểm sát, gọi điện đe dọa các bị hại để chiếm đoạt tài sản
Hù dọa và đánh vào lòng tham
Giả danh công an để gọi điện hù dọa là chiêu trò lừa đảo đã cũ, nhưng đến nay vẫn tiếp tục lừa được nhiều người, do vậy cần phải nhắc lại để người dân cảnh giác. Anh N.V.T. kể, anh nhận được cuộc gọi số đầu là 069… đúng với mã của Bộ Công an, thông báo là sẽ tống đạt quyết định bắt anh vì một số sai phạm của công ty. Sau cuộc gọi, anh đã được cung cấp số điện thoại cá nhân để liên hệ làm việc với cán bộ tên Nam. Cúp máy, anh hơi nghi ngờ nên điện thoại đến tổng đài kiểm tra số máy vừa gọi là ở đâu, thì đúng là số tổng đài của Bộ Công an thật. Thế là anh vội gọi cho điều tra viên tên Nam. Sau khi làm việc gần 1 tiếng qua điện thoại, điều tra viên đã mở cho anh một cách để làm nhẹ vụ việc thành hành chính nếu anh chịu chuyển 500 triệu đồng làm tin.
Anh Nam nghi ngờ nên gọi đến phóng viên để hỏi. Phóng viên xác minh và được biết thực tế không có chuyện công an làm việc qua điện thoại, nếu muốn lấy lời khai thì phải gửi giấy mời, giấy triệu tập, chứ không có chuyện làm việc bằng cách chuyển máy nội bộ như thế. Được hỏi vì sao bọn lừa đảo gọi lại hiện số tổng đài công an, anh Phạm Đức Phúc, chuyên viên IT, cho biết: “Chuyện đó không khó. Bọn lừa đảo gọi từ internet, chứ không phải gọi qua số các nhà mạng; mà gọi từ internet thì không khó tạo số giả hiện lên để đánh lừa người nhận cuộc gọi”. Đó là lý do nhiều người dân bị bọn lừa đảo gọi đến lừa, khi có được vài thông tin cá nhân.
Một chị gọi điện kêu cứu, phản ánh chuyện bị lừa tiền qua Facebook. Chị nhận được tin nhắn mời gọi, chỉ cần đăng thông tin rao hàng trên trang Facebook cá nhân, sẽ được hưởng 50% lợi nhuận trên số tiền bán được. Nghĩ đây là cơ hội khởi nghiệp, nên chị đồng ý. Chị vừa đăng rao hàng thì lập tức có người comment đặt lô mặt nạ với số tiền 15 triệu đồng. Bên cung cấp hẹn giao lô hàng với giá gốc chỉ 7,5 triệu đồng. Chị trả tiền, nhận hàng xong, gọi cho người mua thì số điện thoại không liên lạc được nữa; vào Facebook người đó thì đã bị chặn. Chị gọi lại nhà cung cấp để trả lại hàng cũng không liên hệ được. Đem số hàng đó ra thị trường bán lại, mới hay trị giá chưa đến 1 triệu đồng, chị mới biết mình bị lừa.
Một người dân ở quận Tân Phú (TPHCM) kể, anh nhận được tin nhắn trúng thưởng trên Zalo, với số tiền đến 500 triệu đồng; nhưng để nhận được số tiền đó, anh phải nộp thuế và nộp tiền làm thủ tục hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi anh chuyển tiền xong thì liên lạc đã bị chặn, không thể nào liên lạc được.
Cảnh giác và am hiểu
Việc hack nick tài khoản ngân hàng là thủ thuật thường gặp trong thời thương mại điện tử lên ngôi. Anh N.H.M. từ Bắc vào Nam lập nghiệp, được ba mẹ cho hơn chục triệu đồng và chiếc xe máy. Thiếu vốn, anh lên mạng rao bán xe máy. Có một người ở Bình Dương hỏi mua xe cho đứa cháu đi học, nên bảo anh cho số tài khoản để họ chuyển tiền, rồi kêu đứa cháu qua lấy xe sau. Lát sau, người đó nhắn tin báo đã chuyển tiền rồi và gửi cho anh một đường link, dặn nhấn vào kiểm tra xem tiền đến chưa. Anh nhấn vào, thì trang này yêu cầu nhập số tài khoản, password, rồi… lỗi mạng, lát sau anh nhận tin nhắn báo tất cả số tiền trong tài khoản đã bị trừ sạch.
Chị N.H.L. phản ánh, lâu lâu tài khoản của chị bị trừ vài chục ngàn, mặc dù chị không mua hàng. Chị gọi hỏi ngân hàng mới biết nơi trừ tiền chị là trên trang web chị đã từng thanh toán online. Nguyên nhân là chị đã đánh số thẻ, số CVC khi thanh toán, nhưng chị lại nhấn lưu để lần sau mua thì khỏi đánh lại số mắc công. Thế là hacker đã tấn công dùng số thẻ của chị mua hàng tiếp, và để không bị phát hiện hacker chỉ mua rỉ rả số tiền nhỏ.
Chị L.K.T cần đăng ký gói mạng internet, nên search trên mạng xem đăng ký thế nào. Chị thực hiện theo hướng dẫn xong thì bị mất tài khoản. Kiểm tra lại mới hay đó là trang web ảo, mang tên gần giống như trang chính chủ để lừa. Những người không rành, tưởng trang thật nên cung cấp tên tài khoản, password và bị cướp mất tài khoản.
Để không bị sa bẫy của bọn lừa đảo trên mạng, người dân cần cảnh giác và am hiểu: Khi có ai đó gửi một đường link mà không rõ ràng thì đừng bao giờ nhấp vào, vì link có chứa mã độc sẽ tấn công tài khoản và ăn cắp thông tin. Khi mua hàng hay giao dịch chuyển khoản, phải kiểm tra chắc chắn là trang chính chủ mới điền thông tin. Khi xài thẻ ngân hàng (các loại thẻ quốc tế visa hay master) phải trực tiếp quẹt khi trả tiền, không để lộ mã 3 chữ số CVV/CVC phía sau thẻ. Sử dụng thẻ ngân hàng, nên yêu cầu ngân hàng bảo vệ bằng 2 lớp xác thực. Tức là sau khi điền đủ thông tin thanh toán, ngân hàng sẽ gửi một mã số vào máy điện thoại cá nhân để bạn xác nhận thì lệnh thanh toán mới có hiệu lực.
Bộ TT-TT đã nhắc người dân: Khi có người lạ gọi điện yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, hãy trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý; hoặc thông báo đến số điện thoại Trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời. |
Theo Hàn Ni/SGGPO
Bình luận (0)