Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác phát hiện sớm bệnh cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh cho rằng, con mình chỉ ở nhà, đâu có tiếp xúc với môi trường bên ngoài hay trẻ mắc bệnh mà bị lây bệnh tay chân miệng. Như trường hợp bé Ti (1 tuổi, ngụ quận Tân Bình), khi thấy bé sốt, bà mẹ chỉ nghĩ bé bị "lên ban". Dù bé có đủ các triệu chứng điển hình: nổi mụn ở mông, tay, bàn tay, sốt và khóc nhiều chán ăn… Khi nhập viện, bác sỹ phát hiện trong miệng bé đã có vết loét nặng, có dấu hiệu biến chứng.
Ngày 10/5, ghi nhận tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Nhi  Đồng 1 TP HCM, nơi này đang phải tiếp nhận một ngày lên tới 5.000 trẻ nhập viện. Chủ yếu bệnh nhi dồn về 2 khoa: Khoa Nhiễm thần kinh và Khoa Hô hấp. Riêng tại Khoa Hô hấp, trẻ đông tới mức đã phải nằm ghép… sáu. Các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng làm việc hết công suất và khẩn trương vẫn không thể đáp ứng hết yêu cầu của các bậc cha mẹ bệnh nhi.
Hết giường nằm, hết cả… chỗ thở
Ngày 10/5, ghé qua Khoa Nhiễm – Thần kinh của BV Nhi Đồng 1, nơi này đang chật kín trẻ em và người thân đi theo phục vụ, cái nắng nóng ngoài trời có ngày lên tới 40 độ C khiến không khí trong các phòng bệnh nơi này dù đã bật hết các quạt trần nhưng vẫn hầm hập.
Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 1 đông nghẹt trẻ và thân nhân.
Vào những giờ cao điểm, trong phòng bệnh chỉ thấy toàn hơi người, các bác sỹ phải yêu cầu thân nhân ra hết ngoài cầu thang để lấy không khí cho lũ trẻ và khỏi ảnh hưởng tới công tác khám bệnh. Rất nhiều người trải chiếu cho con nằm ở hành lang. Đa số các ca nằm tại đây đang điều trị bệnh tay chân miệng (TCM). Một số ca viêm não đang trong quá trình hồi phục.
Vào chiều tối, chúng tôi không khỏi ái ngại trước cảnh lũ trẻ và cha mẹ trải chiếu nằm la liệt trên lối đi hành lang. Trời không có gió, mồ hôi rịn trên trán bết vào tóc, nhiều bé vừa nằm vừa ngủ mơ khóc thét.
Những người tưởng chừng may mắn hơn có được giường nằm cho con bên trong phòng thì lại phải chịu cảnh 2-3 bé chen chúc nhau trên một cái giường. Anh Hưng (ngụ tại Long An) trong tâm trạng mệt mỏi, mắt cứ như chực díp lại vì phải thức khuya trông con, nói: "Lúc đầu khi mới chuyển bé lên đây, khoa sắp xếp cho nằm cùng với 2 bé nữa. Khổ nhất là cả 3 đứa cùng sốt, cũng khó chịu, ói mửa và cùng bứt rứt khó ngủ. Thời tiết oi bức đến cả người lớn còn khó chịu nổi, huống chi lũ trẻ". Con gái anh hơn 3 tuổi, mắc TCM đã điều trị  gần 5 ngày. "Vậy nên chừng 1-2 tiếng tui lại phải cho bé ra hành lang nằm cho mát, nhưng ngoài hành lang xem chừng cũng sắp không còn chỗ để nằm nữa rồi!" – anh than.
Tỉnh táo phát hiện sớm bệnh ở trẻ
Qua tâm sự với các bậc cha mẹ tại BV cho thấy, hiểu biết của khá nhiều cha mẹ có con nhỏ về bệnh TCM còn rất hạn chế hoặc sai lệch. Như với trường hợp bé Đức Anh (8 tháng tuổi, ngụ tại Hóc Môn) khi được đưa vào đã trong tình trạng sốt cao 40 độ, lở miệng, khóc lóc, bứt rứt.
Tuy nhiên, qua trao đổi với bà mẹ về việc chăm sóc con, chị nói tỉnh bơ: "Mọi người nói là bệnh TCM do đi nhà trẻ mới bị nhưng bé ở nhà được chăm sóc rất kỹ, có đi trẻ đâu mà mắc?". Cùng một câu trả lời như vậy nhiều phụ huynh tại đây đều cho rằng, con mình chỉ ở nhà, đâu có tiếp xúc với môi trường bên ngoài hay trẻ mắc bệnh mà bị lây.
Một số khác lại không hiểu bệnh TCM là gì. Điển hình như trường hợp bé Ti (1 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Khi thấy bé sốt, bà mẹ chỉ nghĩ bé bị "lên ban". Dù bé có đủ các triệu chứng điển hình: nổi mụn ở mông, tay, bàn tay, sốt và khóc nhiều chán ăn… Khi nhập viện, bác sỹ đã phát hiện trong miệng bé đã có vết loét nặng, có dấu hiệu biến chứng.
Ghi nhận ở Khoa Hô hấp BV này trong 2 ngày qua, số trẻ nhập viện cũng đông không kém. Bác sỹ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 TP HCM nói, nguyên nhân số trẻ mắc bệnh tăng một phần là do nắng nóng kéo dài. Phần khác do cha mẹ chủ quan. Riêng ngày 10/5, khoa này đang điều trị cho trên 240 trẻ mắc bệnh hô hấp. Theo bác sỹ Tuấn, căn bệnh này vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển.
Do đó theo bác sỹ Tuấn, việc nhận biết sớm để điều trị kịp thời trẻ bị bệnh cần phải được quan tâm không chỉ của các bậc cha mẹ, mà còn là của ngành Y tế. Trong đó, lưu ý các triệu chứng xuất hiện sớm của căn bệnh. Điển hình là tình trạng thở nhanh (xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cả khi chụp X-quang). Trong đó dấu hiệu của viêm phổi nặng, khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ kéo lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Lúc này, trẻ cần nhập viện ngay để điều trị.
Để nhận biết, cha mẹ nên vén áo trẻ lên cao để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc. Đặc biệt, cần nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm có tình trạng nguy kịch, tính mạng đang bị đe dọa, cần phải đưa trẻ đi BV cấp cứu ngay lập tức để còn có thể cứu sống trẻ được khi: bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, sốt hoặc lạnh, thở khò khè (trẻ dưới 2 tháng); ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi có thể xuất hiện triệu chứng: không thể uống được gì, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng…

Theo CAND Online

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)