Tết là dịp lớn nhất để người làm ăn chuyên nghiệp lẫn không chuyên tìm cơ hội kiếm tiền. Trong đó, hàng “nhà làm” được người tiêu dùng chọn lựa do niềm tin vào người bán. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cảnh giác với thực phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc.
Các sản phẩm “nhà làm” tại chợ ở TPHCM. Ảnh: U.P
Trưa 10/1, tại khu vực kinh doanh dưa hành, củ kiệu ở chợ Bình Tây (Q.6, TPHCM), chúng tôi được tiểu thương chào mời mua kiệu ngâm ăn tết. Kiệu chưa sơ chế giá 160.000 đồng, đã sơ chế và ngâm sẵn, mua về ăn luôn thì 300.000-350.000 đồng/kg (tùy loại).
Khi biết chúng tôi muốn mua số lượng lớn để bán hàng tết, người bán hàng nói: “Vậy là em đến đúng chỗ rồi. Nhiều người bán hàng trên mạng vẫn hay lấy dưa kiệu, dưa món ở chỗ tôi, sau đó dán tên họ vào và giới thiệu kiệu “handmade” (nhà làm) nhưng thực ra là mua ngoài chợ”.
Tại chợ Căn cứ 26 (Q.Gò Vấp, TPHCM), tiểu thương bày la liệt các loại bánh chưng, giò chả, lạp xưởng, hành kiệu, mứt dừa, mứt bí… màu sắc bắt mắt. Khi được hỏi nguồn gốc, người bán nói do người nhà ở quê làm, tết đến lại đem lên bán và khẳng định thêm, do “làm thủ công nên sạch sẽ, an toàn”.
Xoay tròn một hộp mứt chùm ruột có màu đỏ đậm phủ lớp đường sên kẹo màu vàng, dù chưa mở nắp nhưng mùi vị đã xộc lên. Hộp mứt không hề có tên nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu… nhưng người bán nói: “Không phẩm màu hay chất bảo quản đâu, cứ cất vào tủ lạnh là ăn được quanh năm”.
Tại các trang bán hàng online, hàng tết “nhà làm” cũng nhộn nhịp rao bán. Trong đó, cụm từ “chia lại món ngon” được dùng khá nhiều. “Em có vài ký khô gà lá chanh cho mẹ ở quê làm, muốn chia lại cho chị em ăn thử. Inbox em nhé”; “Nhà chồng em ở Long An có bí quyết làm chả lụa chua rất ngon, lạ miệng mà không ngấy, thích hợp làm món ăn chơi dịp tết. Nhắn tin em để share giá mềm nhé các tình yêu”… Phía dưới là cả trăm tin nhắn đặt hàng, hỏi giá rất xôm tụ…
Dựa vào lòng tin
Cuối năm cơ quan nhiều việc nên chị Hương (nhân viên ngân hàng ở Q.3, TPHCM) thường đặt hàng trên mạng, giao tận nhà cho tiện. “Tôi thường chọn mua của người quen, chị em trong cơ quan giới thiệu nên mình tin tưởng. Tuy nhiên không ít lần tôi nhận được bánh chưng, giò chả khi ăn có mùi. Hỏi người bán thì họ cho rằng do mình bảo quản không tốt, để lâu nên ôi thiu… Mua hàng “nhà làm” cũng hên xui, gặp những trường hợp như vậy thì mình không mua chủ hàng đó nữa” – chị Hương nói.
“Tôi thường mua nem chua, giò chả, mứt tết do người quen làm nên rất yên tâm. Nhưng một lần tình cờ đi chợ, gặp người ấy đang lấy hàng từ một đầu nậu. “Cạch luôn từ đó!”, chị P. (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) nói.
Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất cho rằng, người tiêu dùng cần cảnh giác với thực phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất.
“Rau củ quả, bột, đường là nguyên liệu trong danh mục cho phép, nhưng cách làm kiểu “a ma tơ” thì khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại phẩm màu, hương liệu, chất bảo quản thường được người chế biến dùng rất nhiều để sản phẩm bắt mắt, giữ được tươi lâu… Nhiều người còn xông thực phẩm qua khí lưu huỳnh để chống mối mọt. Đó là chất độc và nếu ăn vào, cơ thể nhạy cảm với hóa chất này sẽ bị ngộ độc ngay lập tức hoặc nếu không lâu dài cũng ảnh hưởng các hệ tiêu hóa, thần kinh…” – Bác sĩ Loan lưu ý.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, hàng handmade, hàng nhà làm vẫn phải đáp ứng được tiêu chí: tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, có hạn dùng của sản phẩm, người làm đáp ứng tiêu chí sức khỏe… để người tiêu dùng và cơ quan nhà nước kiểm soát.
“Tức là nếu thực phẩm “nhà làm” cho nhà ăn thì không sao, nhưng nếu làm để bán thì phải đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và an toàn thực phẩm cho người mua. Tất cả đều được kiểm soát thông qua giấy phép, nếu đăng ký kinh doanh online thì có thể thông qua website của Bộ Công Thương. Người bán có thể công khai giấy phép kinh doanh thông qua trang kinh doanh trên mạng để người tiêu dùng yên tâm hơn với nguồn gốc sản phẩm bán ra”, bà Lan nói.
Theo bà Phong Lan, dựa trên khảo sát thị trường, vấn đề lớn nhất người dân thường gặp khi mua hàng nhà làm là mua xong, nếu có vấn đề thì không biết khiếu nại ai và đành “ngậm bồ hòn”.
“Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là hậu kiểm và thanh tra, cho nên những trường hợp đó cơ quan thanh tra sẽ có trách nhiệm kiểm soát. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải biết bảo vệ mình. Ví dụ, một người ở nhà và đặt hàng giao tới. Xuất xứ hàng hóa ở đâu không biết thì có rủi ro đến sức khỏe, người mua hàng chịu. Tới khi người bán bị xử lý thì người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng rồi”, bà Lan nói.
Theo ngành chức năng, thực tế cái khó hiện nay là các thực phẩm “nhà làm” chỉ làm trong dịp tết theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ nên không đăng ký kinh doanh. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng khó để “truy” địa chỉ sản xuất và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. |
Theo Uyên Phương/TPO
Bình luận (0)