Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác, tránh sập bẫy buôn người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ người yêu đưa sang Campuchia thăm người nhà nhưng lại bị lừa bán qua biên giới, được hứa hẹn giới thiệu việc làm lương cao rồi bị “gả” cho đàn ông nước ngoài, vờ rủ người yêu đi chơi để bán lấy tiền tiêu xài… Trong số đó, không phải ai cũng may mắn được giải cứu trở về đoàn tụ cùng gia đình. Cục CSHS (C45) Bộ Công an cảnh báo phụ nữ cần cẩn trọng và cảnh giác cao độ nhằm tránh rơi phải bẫy lừa.

Công tác tuyên truyền cần được tăng cường và phổ biến nhiều hơn nữa nhằm góp phần triệt tiêu nạn mua bán người

Làm vợ…3 người trong một nhà

Vào ngày 27-7 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt Lý Búp Pha (42 tuổi) mức án 26 năm 3 tháng tù về tội mua bán người và cưỡng đoạt tài sản. Bốn đồng phạm của Pha cũng lãnh từ 16 đến 22 năm tù. Tại tòa, Pha khai vào khoảng 2 năm trước, khi đi lao động ở Trung Quốc đã “bắt được mối” muốn mua phụ nữ Việt Nam về làm vợ với giá 40.000 nhân dân tệ (tương đương 120 triệu đồng) nên y nổi lòng tham. Để thực hiện ý đồ, Pha về nước cùng đồng bọn chiêu dụ các cô gái có hoàn cảnh khó khăn ở Sóc Trăng và Bạc Liêu đi làm việc ở Trung Quốc với mức lương cao. Thậm chí ai muốn lấy chồng giàu thì gia đình còn được “thưởng” 50 triệu đồng. Vì muốn đổi đời, nên 7 cô gái quê (trong đó có 3 cô gái dưới 16 tuổi) đã được Pha và đồng bọn đưa sang Trung Quốc. Hậu quả là các cô gái đã bị Pha bán và thu lợi bất chính 400 triệu đồng.

Không có tham vọng đổi đời, chỉ nhân một lần được người yêu rủ đi chơi, Vàng Thị D. (16 tuổi, trú tại thôn Tiến Đạt, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã bị Giàng Văn Cường bán sang Trung Quốc với giá 50,8 triệu đồng. May mắn, D. được Công an Trung Quốc phát hiện giải cứu đưa trở lại Việt Nam và tố cáo hành vi của Cường. Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái vào trung tuần tháng 3, Cường khai rằng y bán người yêu để lấy tiền tiêu xài và cái giá phải trả là 11 năm tù giam.

Cũng bị lừa bán và đã được trở về đoàn tụ gia đình, nhưng chị Vương Thị T. (29  tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) cho đến giờ vẫn không thôi ám ảnh về “thời gian khủng khiếp nhất của mình” khi bị bán sang Trung Quốc. Trước đó T. đã có chồng và một đứa con gái, nhưng vì chán cảnh chồng nhậu nhẹt bê tha, lăng nhăng với người khác, nên khi biết đối tượng Phạm Trường An (sinh năm 1984, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Cần Thơ) đang tuyển người đi Trung Quốc làm việc lương cao, chị đã quyết định đi ngay. Không ngờ khi sang tới nơi, T. và một số cô gái khác bị tịch thu hết giấy tờ. Sau đó T. bị bán làm vợ cho một người đàn ông khuyết tật ở đảo Hải Nam. Trong những ngày đầu, vì ra sức cự tuyệt nên T. bị đánh đập không thương tiếc. Quần quật với việc ruộng đồng, việc nhà như một người ở, T. còn khốn khổ khi vừa phải “phục vụ” chồng, vừa bị ép “làm vợ” hai người anh chồng đã lớn tuổi mà không có tiền cưới vợ. Nhục quá, khổ quá, nên T. “giả đò” ngoan ngoãn để chờ có cơ hội trốn thoát. Trong một vài lần đi chợ may mắn gặp được người Việt Nam, biết được hoàn cảnh của T. nên họ đã chỉ cho chị cách đón xe và các chặng đường để trốn về nước.

Tìm mọi cách báo về cho gia đình hoặc đường dây nóng

Theo khuyến cáo của đại tá Trần Văn Luận (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an tỉnh Tây Ninh: “Các chị em lao động nghèo, khi nghe lời dụ dỗ ra nước ngoài làm lương cao nên thận trọng”. Vì thực tế đã có những người phụ nữ vì muốn thoát nghèo nên đã sa vào bẫy “ra nước ngoài làm lương cao”, nhưng đa phần là bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc làm gái bán dâm. Trong số đó, có người may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu, nhưng cũng vẫn còn có những người phải chịu cực khổ bên nước bạn. Cảnh báo về tình trạng này, Đội hướng dẫn và điều tra trọng án thuộc Phòng CSHS Công an tỉnh Lai Châu lưu ý, những cô gái bị lừa bán hầu hết có trình độ học vấn thấp, hiểu biết xã hội còn hạn chế. Đồng thời các đối tượng buôn người cũng thường chiêu dụ những cô gái trẻ, mới lớn, nhẹ dạ cả tin. Điều đáng nói là những thủ đoạn của bọn buôn người không mới, nhưng số nạn nhân bị lừa bán vẫn không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ công an), từ năm 2011 đến tháng 6-2017, cả nước đã xảy ra 2.748 vụ mua bán người, lừa bán 5.984 nạn nhân.

Để tạo điều kiện cho các nạn nhân, thân nhân gia đình người bị hại, cũng như người dân tố cáo hành vi buôn bán người nhằm kịp thời hỗ trợ giải cứu các nạn nhân, nhất là những nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài, Cục CSHS (Bộ Công an) khuyến cáo, khi có vụ việc xảy ra, người dân nên liên hệ số điện thoại của trực ban Cục CSHS: 069.44103, số điện thoại của Phòng Phòng chống mua bán người (Cục CSHS): 069.44037 và địa chỉ email:chongbuonnguoi@gmail.com

Thông tin từ Phòng 6 Cục CSHS (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây đơn vị đã giải cứu được nhiều trường hợp bị bán sang Trung Quốc là do các nạn nhân mưu trí trốn thoát được và phối hợp tốt với cơ quan điều tra. Thượng tá Đoàn Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 6) cho biết, hiện đơn vị có lực lượng hỗ trợ là những công dân Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân bằng cách đưa đến các địa điểm tạm lánh, sau đó đưa họ đến khu vực biên giới và trao trả cho công an Việt Nam. Do đó, theo khuyến cáo của Cục CSHS, để thoát khỏi bọn buôn người, các nạn nhân cần phải bình tĩnh, mưu trí, tìm sơ hở của đối phương để trốn thoát và chạy đến đồn công an Trung Quốc gần nhất. Trong trường hợp không có đồn công an, các nạn nhân cần chạy thật xa bằng các phương tiện xe khách. Sau đó nhanh chóng mua sim mới để liên lạc với gia đình hoặc đường dây nóng của công an Việt Nam để được hỗ trợ kịp thời.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Bình luận (0)