Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác trẻ hóc dị vật đường thở

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS đang cấp cứu cho trẻ mắc dị vật đường thở. Ảnh: T.L

Thông tin một bé trai 4 tuổi ở Bình Dương tử vong do ăn thạch rau câu vào giữa tháng 7 khiến nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa hết bàng hoàng. Tuy nhiên, đây lại không phải là trường hợp duy nhất trẻ tử vong do hóc dị vật đường thở.
Nguy hiểm từ những điều đơn giản
Sáng 17-7, trong khi đang ăn thạch rau câu, bé Nguyễn Cao Khang (4 tuổi, Bình Dương) đột nhiên ngã lăn ra nền nhà, ngưng thở, người tím tái và tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do bé bị ngạt thở trong lúc ăn thạch rau câu. Được biết trước đó, đường hô hấp của bé cũng đã bị tổn thương do sặc xúc xích nhưng được cứu kịp thời. Một tai nạn tương tự khác, một bé trai 3 tuổi (Hà Nội) cũng đã tử vong trước đó không lâu trong tình trạng tim ngừng đập, ngưng thở… do hóc thạch trong lúc ăn cùng bạn tại nhà trẻ.
Những trường hợp kể trên là do hóc dị vật đường thở ở trẻ. Theo thống kê không đầy đủ của Bệnh viện Nhi đồng 1 thì trung bình mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận khoảng trên dưới 30 ca bệnh nhi hóc dị vật đường thở. Trong số đó, nhiều trường hợp đã không thể cấp cứu được. Theo BS. Đinh Tấn Phương – Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 thì độ tuổi trẻ dễ hóc dị vật đường thở là từ 4 tuổi trở xuống. Ở độ tuổi này, phản xạ cổ họng của trẻ chưa được hoàn chỉnh. Vì thế, tất cả những thứ đã đưa vào miệng trẻ đều có khả năng gây dị vật. Trong đó đáng lưu ý là các vật dạng thể hạt, xương cá, xương lươn, những loại đồ chơi có hình dạng nhọn, tròn, nhỏ như nắp viết, đồng xu, cúc áo, hòn bi… Đặc biệt, thạch rau câu lại là một trong những loại dị vật nguy hiểm nhất mà trẻ dễ dàng mắc phải.
Cha mẹ cần cẩn trọng
BS. Đinh Tấn Phương cho biết, nguyên nhân trẻ hóc dị vật đường thở là do các bậc cha mẹ đã không ý thức được các loại thức ăn nào, các loại đồ chơi nào thì nên và không nên  cho trẻ ăn và chơi, cũng như quá chủ quan thiếu sự giám sát trong khi cho trẻ ăn và chơi. Bên cạnh đó, việc ép trẻ ăn, uống thuốc đến mức ho, khóc cũng rất dễ làm trẻ bị hóc. Vì khi trẻ la hét, khóc thất thanh, nắp thanh môn của trẻ vì lý do nào đó chưa đóng được, trẻ sẽ bị nghẹn, bị hóc.
Những hội chứng xâm nhập (biểu hiện) khi trẻ bị tắc dị vật đường thở là trẻ đang ăn, đang chơi sẽ đột ngột ho sặc sụa, người tím tái, ngưng thở sau đó dẫn đến hôn mê và tử vong. Khi trẻ có những triệu chứng như trên, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được đưa tay vào cổ họng trẻ móc dị vật ra. Bởi làm như thế sẽ vô tình càng đẩy dị vật đi vào sâu hơn dẫn đến trẻ tử vong nhanh chóng.
BS. Đinh Tấn Phương khuyến cáo rằng, tất cả các bậc phụ huynh cần phải biết và thuộc lòng những động tác cấp cứu kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật đường thở trước khi đưa đến bệnh viện. Bởi thời gian “vàng” trong một vài phút đầu sau khi hóc sẽ quyết định việc có cứu sống được trẻ hay không. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cần thực hiện thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp gối trên cánh tay phụ huynh. Dùng bàn tay giữ chặt đầu và cổ trẻ. Dùng gót tay vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ khoảng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay. Đối với trẻ trên 2 tuổi, cần áp dụng thủ thuật Heimlich: Đứng sau lưng và vòng tay ôm lấy trẻ. Đặt một bàn tay làm thành nắm đấm ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức, bàn tay kia đặt chổng lên. Ấn mạnh, nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên; nếu trẻ hôn mê, đặt trẻ nằm, phụ huynh quỳ chân đối diện trẻ. Đặt một bàn tay lên vùng thượng vị ngay dưới mũi ức, bàn tay thứ hai đặt chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn mạnh và nhanh 5 lần vào bụng trẻ theo hướng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới.
Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)