Ngay khi Việt Nam nhập lô vắc-xin Covid-19 AstraZeneca đầu tiên và xây dựng kế hoạch tiêm theo thứ tự 11 nhóm đối tượng ưu tiên, mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết kêu gọi “từ chối tiêm vắc-xin Covid-19” hay còn gọi là phong trào Anti vắc-xin Covid-19.
Tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho các y, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: H.Triều
Những chia sẻ bày “cách thức” để từ chối tiêm vắc-xin xuất hiện trên mạng xã hội với các nội dung như: “Không nên chia sẻ thẳng thừng vì điều đó sẽ khiến bạn bị cả xã hội coi là một kẻ “hung hăng”. Hãy từ chối vắc-xin theo 2 bước: Bước 1: Hãy hỏi xem vắc-xin có chứa MRC-5 hay không?, đây là hợp chất bao gồm các tế bào thai nhi bị phá bỏ và các loại DNA khác. Nếu nhận được câu trả lời là “có”, bạn từ chối tiêm; Bước 2: Hỏi xem loại vắc-xin này có khả năng gây ra sốc phản vệ hay không, nếu nhận được câu trả lời là “có” hoặc “có thể” thì bạn có thể từ chối tiêm”.
Phong trào Anti vắc-xin không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Phong trào này hiện vẫn đang là thách thức xuyên suốt chiến dịch tiêm chủng mở rộng của quốc gia để đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm như sởi, lao, ho gà, rubella, viêm não Nhật Bản; phá hoại các thành quả tiêm chủng và tạo thành “vùng lõm” trong tiêm chủng, nguy hiểm hơn là có thể làm bùng phát dịch bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Các phong trào Anti vắc-xin thường nhắm đến đối tượng là những người thiếu hiểu biết, các bà mẹ trẻ, lợi dụng mạng xã hội để “đẩy phong trào đi xa hơn”.
Lần này cũng vậy, khi vắc-xin Covid-19 được nhập về Việt Nam, phong trào Anti vắc-xin cũng nhắm đến đối tượng người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Ngoài các kêu gọi thẳng thắn, nhiều người dùng mạng xã hội còn chia sẻ, dẫn chứng những bài viết về các rủi ro trong tiêm vắc-xin Covid-19 trên thế giới, coi như làm minh chứng gián tiếp cho lời kêu gọi của mình.
Những chia sẻ “mang tính kêu gọi người dùng cảnh giác với vắc-xin Covid-19” thực chất là các luận điệu xuyên tạc, chống phá vô cùng nguy hiểm, mà nếu không nhận diện đúng, kịp thời sẽ gây hoang mang dư luận, khiến người dân hiểu sai về thành phần, độ an toàn của vắc-xin; đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nỗ lực phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19 của Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
HƠN 100 TRIỆU MŨI TIÊM PHÒNG COVID-19 900 nhân viên y tế BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trong đợt đầu. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM được tiêm vắc-xin Covid-19. Cùng với BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai… cũng tiến hành tiêm vắc-xin cho đội ngũ y, bác sĩ trong đợt đầu này. Được biết, đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. Bộ Y tế kêu gọi mọi người dân, khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh. H.Triều |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp; dịch tại Việt Nam vẫn còn khó lường, khó kiểm soát, có thể bùng phát bất cứ khi nào, đi cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh như thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, nâng cao ý thức trong phòng dịch thì việc tiêm vắc-xin Covid-19 là điều cần thiết, thậm chí được coi là chìa khóa hỗ trợ và đẩy lùi dịch bệnh tại quốc gia. Do vậy, mỗi người dân phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về vắc-xin Covid-19; khi chia sẻ, bình luận những thông tin này cần có sự kiểm chứng và suy nghĩ thấu đáo, tránh “tiếp tay” cho những thông tin xấu, độc.
Nhận diện về phong trào Anti vắc-xin Covid-19, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đã nhấn mạnh, việc vắc-xin có phản ứng phụ là đương nhiên, và là điều có thể xảy ra với bất cứ loại vắc-xin nào trên thế giới, dù là vắc-xin tốt nhất.
“Vắc-xin là giải pháp căn bản tốt nhất để chống lại virus. Tất cả các vắc-xin Covid-19 được cấp phép đều được xem xét cẩn thận và đánh giá tỷ lệ sinh kháng thể hiệu quả. Các thông tin về việc vắc-xin không hiệu quả đều là nguồn không chính thống, chưa được kiểm chứng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đỗ Lan
Bình luận (0)