Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác việc làm lương cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cháu tôi là sinh viên. Vừa rồi, sau khi thi xong, cháu có lên mạng tìm việc để đi làm thêm, trang trải cho cuộc sống, một phần san sẻ gánh nặng tài chính với ba mẹ. Cháu nộp hồ sơ vào công ty C. vì thấy thông tin mức lương quá hấp dẫn, được quyền chọn giờ làm, lại ưu tiên cho sinh viên.

Tuy nhiên khi đến nơi nộp hồ sơ (tập trung tại một nơi khác địa chỉ công ty) thì đây không phải là nơi trực tiếp nhận hồ sơ vào làm mà chỉ là hình thức trung gian giới thiệu việc làm. Hai nhân viên tiếp nhận hồ sơ vẽ vời ra viễn cảnh, đại loại: mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc tuyệt vời, sẽ có tiền thưởng rủng rỉnh trong những ngày du xuân… Nhưng, để được giới thiệu vào các công ty lớn, nổi tiếng thì phải đóng cho họ 450 ngàn đồng tiền thế chân mua đồng phục, hứa sẽ trả lại sau 3 tháng làm việc. Đối với sinh viên thì số tiền đó khá lớn nên cháu đã điện thoại xin tôi. Nghi ngờ về công ty môi giới này, tôi lên mạng tìm hiểu thì kết quả hàng ngàn người tố cáo trên các trang mạng xã hội cũng như báo điện tử phản ánh kiểu làm ăn lừa gạt tương tự thế này. Bọn chúng đánh vào tâm lý sinh viên cần việc làm thêm nên mới dễ dàng tung chiêu lừa gạt. Vì rõ ràng nhất là nếu mua đồng phục thì chính công ty nhận việc sẽ trừ trực tiếp vào lương của nhân viên với số tiền không quá 200 ngàn đồng (hoặc miễn phí) chứ chẳng liên quan gì đến nơi giới thiệu việc làm. Cũng may là tôi phát hiện kịp thời nên bảo cháu đi về ngay lập tức.

Không riêng gì cháu tôi mà những ngày gần đây, rất nhiều sinh viên và những bạn trẻ bị lừa chỉ vì ham mê việc nhẹ hưởng lương cao trong những ngày trước và sau Tết. Cũng với chiêu tương tự như tôi vừa nêu, bọn lừa đảo đã thu về số tiền không nhỏ. Bởi có người đã nộp tiền nhưng chúng giới thiệu nạn nhân những chỗ làm “không như là mơ” khiến cho nạn nhân thất vọng bỏ cuộc. Mà có kiên trì làm cũng khó lấy lại số tiền đó, vì công ty chẳng dính dáng gì về tiền bạc giữa người xin việc với phía trung gian. Chúng lừa đảo thật tinh vi, số tiền đó không gọi đóng phí xin việc vì khó chấp nhận (quá cao), nên viện cớ mua đồng phục (hoặc thế chân sợ nghỉ ngang) để hợp thức hóa. Đồng thời qua mặt cơ quan chức năng, không truy thu thuế. Lợi dụng mạng xã hội và các trang thông tin điện tử tổng hợp, chúng đăng tin rao vặt cùng với những lời “đường mật” thu hút người xem. Vì vậy sinh viên nên cảnh giác với những chiêu trò này, đừng vì ảo tưởng lương cao mà mê muội nghe theo. Cơ quan chức năng cũng nên thường xuyên kiểm tra những công ty giới thiệu việc làm, môi giới lao động để trị từ gốc những kẻ lừa đảo, không để người lao động phải chịu thiệt thòi.

Nguyn Thanh Vũ
(Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)