Khoảng 4 – 6% phụ nữ mang thai bị viêm tiết niệu, trong đó có 40 – 50% bị viêm thận – bể thận, một bệnh lý đe dọa sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt nó còn ảnh hưởng lớn tới quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi, nguy cơ sinh non cao, thậm chí tử vong sơ sinh…
Thông thường sau khi điều trị viêm bể thận,
bệnh nhân khỏi hoàn toàn và không có di chứng
Nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ mang thai là bệnh lý hay gặp, trong đó viêm thận – bể thận là tình trạng nặng, cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Nếu không sản phụ sẽ rơi vào tình trạng nặng, bệnh trở thành mạn tính (tổn thương các ống thận, mô kẽ và bể thận), thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân gây viêm thận – bể thận là do trực khuẩn Secheria Coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng… Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn theo đường ngược dòng từ bộ phận sinh dục ngoài theo niệu đạo lên bàng quang, niệu quản đến xâm nhập vào đài, bể thận gây viêm ở đài bể thận rồi vào tổ chức kẽ của thận. Các vi khuẩn cũng có thể theo đường máu hoặc bạch huyết xâm nhập vào thận. Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai trong 1 năm có gần 40 sản phụ mắc các bệnh đường tiết niệu nhập viện thì 79,4% sản phụ nhiễm trùng tiết niệu thấp, 10,8% nhiễm trùng nặng, 5,1% nhiễm trùng tiết niệu không triệu chứng, 4,7% nhiễm trùng tái phát… Trên 77% trường hợp tuổi từ 20 – 30. Đây cũng là nhóm tuổi hay gặp phải các nguy cơ khác như nhiễm độc thai nghén, tiểu đường, tăng huyết áp. Hơn 1/3 sản phụ bị nhiễm trùng tiết niệu bị thiếu máu do tan máu, các bệnh màng hồng cầu. Các triệu chứng xuất hiện rầm rộ, đột ngột khiến bệnh nhân (BN) sốt cao, rét run, thể trạng suy sụp nhanh chóng, môi khô, lưỡi bẩn… Sốt cao trên 40oC, dù có dùng thuốc hạ sốt cũng chỉ giảm được trong một vài giờ, sau đó cơn sốt bùng phát trở lại. BN đau âm ỉ vùng hông hoặc đau thắt lưng, cũng có khi có những cơn đau dữ dội như dao đâm, lan xuống vùng bàng quang, lan ra cả bộ phận sinh dục ngoài, kèm theo tiểu buốt, cảm giác nóng rát, tiểu rắt (mót tiểu, phải rặn liên tục khi tiểu), tiểu đục, đôi khi tiểu ra máu. BN mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, nôn, bụng chướng. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do ứ nước tiểu trong bàng quang, giãn dài bể thận, ứ nước vì chèn ép làm giảm khả năng phòng bệnh, trào ngược bàng quang niệu quản. Bệnh hay gặp ở những sản phụ con so, có bệnh lý hệ tiết niệu trước đó, nhiễm trùng tiết niệu tái phát và một số nhiễm trùng khác. Xét nghiệm nước tiểu cho thấy, tất cả các trường hợp đều có nhiều bạch cầu niệu cùng các khuẩn E.coli, proteus, klebsiella. Những trường hợp đái mủ, trong nước tiểu có bạch cầu đa nhân thoái hóa và các tế bào mủ. Qua siêu âm, hầu hết các trường hợp có giãn đài bể thận từ độ nhẹ đến trung bình. Biến chứng thai sản do nhiễm trùng đường tiết niệu hay gặp nhất là đẻ non. Những trẻ này thường thấp cân, thiếu máu, nhiễm trùng hoặc bị chết lưu. Việc tiên lượng cho mẹ và con tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương ở thận (sự lan rộng của tổ chức thận bị phá huỷ). Nếu BN bị viêm thận – bể thận mãn thì khi mang thai, càng làm bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, nếu chức năng thận còn tốt và không có cao huyết áp thì thai kỳ có thể tiếp tục không trở ngại.
Viêm thận – bể thận là hậu quả của nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần và nhiều tác nhân kết hợp như bệnh lý trào ngược bàng quang – niệu quản hoặc tắc nghẽn đường tiểu vì vậy cần sử dụng kháng sinh sớm theo chỉ định của bác sĩ và cần loại bỏ các yếu tố thuận lợi như tạo hình sửa van niệu quản – bàng quang, lấy sỏi, cắt bỏ khối u. Nếu không được phát hiện và xử trí điều trị kịp thời viêm thận – bể thận mãn có thể dẫn đến suy thận mãn và tử vong. Thông thường sau khi điều trị viêm bể thận, bệnh nhân khỏi hoàn toàn và không có di chứng, xét nghiệm nước tiểu hết bạch cầu sau 3 – 5 ngày. Một tuần sau, bệnh nhân có thể được ra viện.
Để phòng tránh những bệnh thận trên, tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt với những người có tiền sử viêm tiết niệu, sinh đẻ nhiều lần cần chú ý khám thai định kỳ, hoặc khám ngay nếu thấy bất thường (tiểu ít, đái buốt, đái rắt, người mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu…), ăn nhạt nếu thấy phù hoặc tăng huyết áp, uống 1,5 lít nước/ngày, không nên nhịn tiểu. Khi phát hiện bị bệnh cần điều trị và theo dõi tại bệnh viện; tránh biến chứng suy thận bằng cách dùng thuốc theo chỉ dẫn, tránh những thuốc độc cho thận.
BS Phạm Hoàng Oanh
(Đạidoanket)
Bình luận (0)