Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với chó nhà nuôi

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong tháng 1-2018, bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị chó cắn gây thương tích nặng, thậm chí có trẻ bị mất hết phần mũi, lủng má, rách mặt, thủng khí quản. Điều đáng nói là các em đều bị chó nhà nuôi cắn khi chơi đùa với chúng.

Phụ huynh không nên cho con tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần để tránh nguy hiểm cho bé

Cảnh giác với chó nhà nuôi

Lâu nay người ta thường cho rằng chó nhà nuôi là con vật hiền lành, không cắn những người vốn đã gần gũi quen thuộc với chúng. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp trẻ em bị chó nhà nuôi gây thương tích rất thương tâm. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như (Phó khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, chỉ trong 5 ngày của tháng 1-2018, bệnh viện liên tiếp cấp cứu hai ca bị chó nhà cắn khiến trẻ 1 tuổi và 4 tuổi bị thương nghiêm trọng.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi T.L (1 tuổi, ngụ Đắk Lắk), nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 0g ngày 4-1. Sự cố xảy ra vào chiều 3-1, khi mẹ bé T.L để con chơi một mình với con chó ta để dọn dẹp dưới bếp. Chỉ trong chốc lát, chị nghe tiếng con khóc, chạy lên đã thấy mặt con máu me bê bết, phần mũi bị mất hoàn toàn. Hoảng quá, chị vội đưa con vào bệnh viện địa phương, trong tay cầm theo phần mũi đã bị cắn đứt rời. Các bác sĩ đã nhanh chóng sơ cứu vết thương, ngâm mũi bé vào nước đá rồi tức tốc chuyển bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Theo ghi nhận từ bệnh viện, T.L nhập viện lúc 0g và đến 0g30 thì được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình lại cánh mũi và vùng mặt trong một ca mổ kéo dài đến 3g sáng. Bác sĩ Như cho biết, do thời gian phần mũi tách rời khỏi cơ thể quá lâu (hơn nửa ngày), nên mặc dù hiện nay vết mổ đã khô ráo, nhưng cánh mũi bắt đầu đổi màu với dấu hiệu bị hoại tử. Trước mắt, bác sĩ sẽ tiếp tục cho bệnh nhi sử dụng kháng sinh, ngừa nhiễm trùng. Trong trường hợp phần ghép có diễn biến xấu nhất, các bác sĩ sẽ phải tiến hành một ca phẫu thuật thứ hai để lấy phần sụn ở bàn tay ghép lên mũi cho bé.

Chỉ 4 ngày sau ca cấp cứu bệnh nhi T.L, Bệnh viện Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận thêm trường hợp bé Nguyễn T.Đ (4 tuổi, ngụ Long Thành, Đồng Nai) lúc 3g30 sáng 7-1. Đ. bị hai con chó bec-giê cắn vào cổ họng, gây thủng khí quản, nhập viện trong tình trạng tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất và tràn khí dưới da. Theo lời bác sĩ Như, do bệnh nhi bị cắn thủng khí quản, nên không khí tràn ra toàn thân, và tràn khí khoang ngực. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu vá lại chỗ thủng và cho bé thở máy. Hiện Đ. đã tỉnh táo, tiên lượng khoảng 1 hoặc 2 ngày nữa sẽ được rút nội khí quản. Song song với việc điều trị, hai bệnh nhi T.L và T.Đ cũng đã được tiêm ngừa bệnh dại nhằm phòng tránh virus dại do bị chó cắn.

Bác sĩ thú y Huỳnh Thị Thanh Ngọc (Bệnh viện Petcare, quận 2) lưu ý, trong trường hợp bị vật nuôi cắn, việc đầu tiên cần làm là dùng xà bông bột rửa thật kỹ vùng bị cắn (có tiếp xúc với chất tiết như nước bọt) dưới vòi nước chảy. Sau đó nên đưa bệnh nhân đến trạm y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, cần nhốt con vật vừa cắn người lại và theo dõi diễn biến sức khỏe của chúng trong vòng 15 ngày theo sự hướng dẫn của Trạm thú y địa phương.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã tiếp nhận bé gái 8 tuổi bị chó nhà nuôi cắn khi chơi đùa với chúng. Bệnh nhi nhập viện với một vết thương sâu, mất toàn bộ da và mô dưới da ở má bên trái. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà (Khoa Phẫu thuật gây mê – Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, bé đã được phẫu thuật bằng cách chuyển vạt da ở vùng cổ (bao gồm mạch máu nuôi da) lên che lấp phần da và mô dưới da bị mất. Sau 2 tuần phẫu thuật, hiện nay vết mổ đã lành và có tiên lượng tốt. Tương tự, Khoa Chấn thương của Bệnh viện Mắt Trung ương cũng đang điều trị cho bệnh nhi Trần Quang Thanh (8 tuổi, Thái Nguyên) do bị chó nhà cắn vào môi và mắt. Bé bị chó mẹ cắn khi đang chơi với mấy chú chó con mới sinh. Trên địa bàn xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) vào ngày 28-12-2017 cũng đã xảy ra một trường hợp tử vong do bị chó nhà cắn. Nạn nhân là em Hà Thị Linh (14 tuổi, trú xã Châu Kim), trong lúc đùa nghịch đã bị chó cắn vào ngón tay cái. Do không được tiêm phòng kịp thời, bệnh tiến triển nặng khiến em tử vong.

Phụ huynh không nên lơ là

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như (Phó khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhi Đồng 1) khuyến cáo, những ngày cận Tết, phụ huynh bận bịu nên có phần nào lơ là trong việc trông trẻ, dẫn đến những tai nạn tưởng chừng như không bao giờ xảy ra. Vì trẻ em thấp bé nên thường bị chó tấn công ở vùng mặt và cổ họng. Điều đáng lo là tai nạn do chó cắn rất phức tạp, các vết thương thường bị dập mô do răng chó sắt nhọn xé nát, nên thời gian phẫu thuật tạo hình vùng mặt sẽ kéo dài rất lâu. Chưa kể kết quả cuộc mổ có thành công hay không lại phụ thuộc vào vấn đề đối phó với tình trạng nhiễm trùng ra sao. Do trong miệng chó chứa rất nhiều vi trùng gây hoại tử vết thương, cộng thêm tuyến nước bọt là một chất phân hủy thức ăn cũng góp phần gây hoại tử mô ở vết thương bị chó cắn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà (Khoa Phẫu thuật gây mê – Bệnh viện Nhi đồng 2) lưu ý, tuy chó là vật nuôi trong nhà rất gần gũi, nhưng vì chúng có sẵn bản tính hung dữ, nên phụ huynh cần phải đề phòng vì có thể do bị trẻ nhỏ trêu đùa khiến loài vật này giận dữ gây thương tích. Để tránh tai nạn cho người, người nuôi nên đưa chó đi tiêm phòng dại định kỳ, không thả chạy rông, cần đeo rọ mõm khi cho chó ra ngoài nơi công cộng và cả ở nhà để an toàn cho những người xung quanh. Nhất là đối với những gia đình có trẻ con, phụ huynh không nên cho con tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần để tránh nguy hiểm cho bé.

Bài, ảnh: Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)