Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác với cổ vật giả

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, tại một số địa phương xuất hiện thông tin có người mua hoặc đào được cổ vật, sau đó giới săn đồ cổ biết tin tìm đến mua với giá rất cao. Mới đây nhất, ông V. (ở tỉnh Quảng Nam) cũng mua được một chiếc bình hồ lô ở tỉnh Đắk Lắk với giá 12 triệu đồng, nhưng sau đó dư luận đồn thổi chiếc bình này là cổ vật quý và phải có giá trên chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi các nhà chuyên môn vào cuộc tìm hiểu đã khẳng định đó chỉ là đồ giả cổ, có giá chỉ từ 1 – 1,5 triệu đồng…
Qua sự việc này, chúng tôi muốn cung cấp một số thông tin xung quanh chuyện mua bán đồ “cổ” này tại các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh, để nhằm cảnh báo về nạn buôn bán “cổ vật giả” hiện đang diễn ra và nếu mất cảnh giác, người mua sẽ “ôm hận”.

Nhóm hiện vật này được cho là phát hiện ở ven biển thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 8-2015, thực chất đều là cổ vật giả nhằm để đánh lừa người mua

Tại tỉnh Hà Tĩnh có hai câu chuyện về đề tài trên. Vào tháng 8-2015, tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, người dân cho biết phát hiện được một số cổ vật quý, gồm: 1 bình hồ lô, 2 con cóc và 1 tượng Phật. Tất cả đều đúc bằng đồng, có kiểu dáng cổ. Trong đó, chiếc bình hồ lô có chiều cao hơn 20cm, đường kính đáy khoảng 10cm, xung quanh phần đáy dưới có đúc nổi các “ông tiên” với các sắc thái mặt, tư thế và đội mũ khác nhau; phần phía trên trang trí nhiều hình hoa lá cách điệu; phần giữa thân bình là hình bát quái và dưới đáy có 4 chữ Hán “Đại Thanh niên chế”.
Nhìn qua chiếc bình hồ lô ở xã Kỳ Nam, ai cũng dễ dàng nhận thấy giống hệt với chiếc bình hồ lô “giả cổ” của ông V. (ở tỉnh Quảng Nam). Chỉ khác ở 4 chữ Hán dưới đáy bình. Bình hồ lô của ông V. có 4 chữ “Tuyên Đức niên chế”. Hai con cóc có hình dáng kỳ dị, đáy có 8 cạnh, chính giữa đáy có hình tròn và khắc nổi 4 chữ Hán “Khang Hy niên chế”. Tượng Phật tư thế ngồi, khuôn mặt rạng rỡ vui vẻ, cổ đeo tràng hạt, bụng phệ, hai chân trần, tay phải cầm bình nước cam lồ, tay trái cầm “thỏi vàng”, đáy tượng cũng có khắc nổi 4 chữ Hán “Càn Long niên chế”.
Khi gặng hỏi về xuất xứ của nhóm “cổ vật” này thì chủ nhân không cho biết cụ thể phát hiện được ở đâu, chỉ nói chung chung là đào được ở vùng ven biển thị xã Kỳ Anh và đang tìm người để bán với giá 1,5 tỷ đồng cho nhóm “cổ vật” này. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cổ vật ở Trung ương, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, đây hoàn toàn là những “cổ vật giả cổ” chứ không phải cổ vật thật, để nhằm đánh lừa người mua không có kiến thức về lĩnh vực này…
Câu chuyện thứ hai xảy ra trên địa bàn xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên. Cũng vào thời điểm trên, người dân địa phương bắt gặp một nhóm người lạ, mặc trang phục giống công nhân xây dựng, tay chân lấm lem bùn đất. Nhóm người này nói rằng, trong quá trình thi công công trường xây dựng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, vô tình phát hiện được một số “cổ vật” và đang dò hỏi người dân địa phương, ai có nhu cầu mua mới cho xem.

Chữ dưới đáy của hiện vật 2 con cóc và tượng Phật

Nhiều người dân sau khi trao đổi với nhau, thấy nhiều điểm nghi vấn nên đã gọi điện thoại cho cơ quan chuyên môn để hỏi chi tiết, cụ thể về “cổ vật”. Và tình cờ, nhóm người này sau khi nghe lỏm được cuộc điện thoại giữa người dân với cơ quan chuyên môn đã quyết định không cho xem “cổ vật” và nhanh chóng rời khỏi địa phương mà không một lời từ biệt.
Qua hai câu chuyện trên ở địa bàn Hà Tĩnh, xâu chuỗi với các thông tin của chiếc bình hồ lô “cổ vật giả cổ” ở tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác được đồn thổi có giá hàng tỷ đồng, chúng tôi nhận thấy một thực trạng rằng, hiện nay có một nhóm người đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết về lĩnh vực đồ cổ của nhân dân để mua bán đồ giả nhằm trục lợi bất chính; vì vậy rất cần được thông tin rộng rãi và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa, nhằm khuyến cáo để giúp người dân cảnh giác, tránh mua nhầm phải đồ giả, mất tiền oan…

NGUYỄN TRÍ SƠN
(Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh)

Bình luận (0)