Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác với công tơ điện trôi nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Trên thị trường hiện nay, tình trạng công tơ điện đang bị làm giả, tái chế bán lại khá nhiều. Những công tơ điện quá hạn sử dụng, kém chất lượng đưa về tân trang làm mới bán lại với giá cao. Để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, các cửa hàng này đã làm giả giấy tờ kinh doanh hoặc giấy kiểm định giả điều này đồng nghĩa với việc chất lượng của các công tơ điện này cũng được bỏ nổi.

Bên phải là giấy kiểm định công tơ điện thật, bên trái là giấy kiểm định giả

Hệ quả cuối cùng không ai khác chính người tiêu dùng gánh chịu hậu quả.

Giả giấy kiểm định chất lượng

Công tơ điện là mặt hàng kinh doanh phải có giấy phép và giấy kiểm định chất lượng. Giấy kiểm định chất lượng chỉ được cấp khi hàng sản xuất đủ tiêu chuẩn và được xuất hàng bán trên thị trường. Chính vì điều này các cửa hàng bán hàng “tái chế” lại công tơ điện đã làm giả giấy kiểm định để bán được hàng. Hai cơ quan kiểm định đo lường bị làm giả giấy nhiều nhất đó là Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng Long An, người ký tên là Hồ Thị Mộng Trinh và Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng TP.HCM, người kiểm định là Nguyễn Thị Kim Dung.

Tại một cửa hàng trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM), đối với công tơ điện MX 1 dây 2 pha 5 Ampe chúng tôi được chào với giá 140.000 đồng cho loại không có giấy kiểm định và 180.000 đồng đối với loại có giấy kiểm định. Để chứng minh hàng thật hàng giả người bán tại cửa hàng này chỉ cho cách phân biệt đó là nếu công tơ điện có giấy kiểm định thì tem trên công tơ không bóc ra được, còn nếu không có giấy thì bóc ra dễ dàng.

Tại hai cửa hàng khác trên đường Phan Huy Ích (quận 12, TP.HCM) cũng ghi nhận những trường hợp giả mạo như vậy. Theo tìm hiểu, để có lời hai cửa hàng này đã bán trà trộn những hàng trôi nổi, công tơ điện cũ được đưa về sửa chữa, làm mới. Gặp người am hiểu thì đưa đồ thật là chào bán, còn khách mua 1-2 chiếc thì đưa hàng dỏm ra chào hàng.

Với tình trạng giả mạo bày bán công tơ điện không có giấy kiểm định thế này thì việc kiểm định chất lượng rất khó điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang đánh cược sự an toàn của mình. Một công tơ điện thế này người bán có thể lời gấp đôi, thậm chí gấp ba với khoản lợi nhuận cao như thế nên người bán dường như phớt lờ sự an toàn của người sử dụng. Trong khi, với những công tơ điện kém chất lượng thế này thì người sử dụng đối mặt với việc rò rỉ điện và chập điện đây là mối nguy hiểm từ điện có thể đe dọa tính mạng bất kỳ lúc nào.

“Địa chỉ ảo, số điện thoại ma”

Khi chiếu đèn tem công tơ điện thật hiện sáng, còn tem giả thì không 

Theo xác nhận của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng Long An và Trung tâm Kỹ thuật đo lường TP.HCM thì 2 loại giấy tờ trên đều là giả. Cụ thể giấy kiểm định giả mạo của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng Long An có tên và chữ ký của người tên Hồ Thị Mộng Trinh và được đóng dấu năm 2017. Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng Long An ông Lê Thanh Quang đã xác nhận, tất cả những thứ trên giống như thật nhưng đều là giả. Về kích thước giấy thật của trung tâm lớn hơn và tem kiểm định khi chiếu đèn vào có tia sáng hình ngôi sao nổi lên mới là thật, hàng giả thì không thấy gì. Cũng tương tự thì địa chỉ và điện thoại trên giấy kiểm định mà Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng TP.HCM cũng chỉ là địa chỉ ảo và số điện thoại ma. Bằng chứng là khi thực hiện cuộc gọi thì được báo “số máy trên không đúng!”. Riêng địa chỉ ghi là trên đường Điện Biên Phủ là sai vì trụ sở của trung tâm nằm trên đường Phan Đăng Lưu. Đặc biệt tên người kiểm định Nguyễn Thị Kim Dung thì trung tâm xác nhận là không có người này.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm Giám đốc hãng luật Lâm Trí Việt cho biết: “Hành vi giả mạo dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy để ghi gắn lên sản phẩm hàng hóa, giả mạo kết quả kiểm tra giám định hoặc giả mạo kết quả sản phẩm, kiểm tra hàng hóa là vi phạm pháp luật. Theo khoản 2 điều 24 Nghị định 80 của Chính phủ, mức xử phạt đối với trường hợp này là từ 30-50 triệu đồng. Ngoài ra với hành vi giả mạo này gây nguy hiểm cho xã hội và có dấu hiệu hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự. Theo quy định tại điều 247 BLHS quy định về tội làm giả con dấu của các cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt hành chính từ 5-50 triệu đồng và với hành vi gây nguy hiểm có thể bị phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, việc hành vi sử dụng con dấu giả mạo này như một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị khởi tố hình sự theo tội chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 BLHS. Mức thấp nhất là cải tạo không giam giữ tới 3 năm và mức cao nhất là 12-20 năm”.

Như vậy, để tránh người dùng mua phải công tơ điện kém chất lượng, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng này.

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Bình luận (0)