Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác với “cún cưng”

Tạp Chí Giáo Dục

Bé Đ.V.Q bị chó cắn

So với các loại vật nuôi trong nhà thì chó là vật gần gũi với con người nhất, đặc biệt là trẻ em. Có lẽ vì vậy mà nguy cơ bị tai nạn từ chó đối với trẻ em cũng rất cao. Tai nạn đã để lại nhiều thương tích cho trẻ, thậm chí có trẻ đã tử vong…

3 con chó tấn công 1 đứa trẻ
Chiều ngày 6-12-2007, bé Đ.V.Q – 4 tuổi (Gò Công, Tiền Giang) cùng với anh trai – 6 tuổi chạy chơi ngang sân nhà hàng xóm. Bất ngờ, 3 con chó, trong đó có một con chó mẹ mới đẻ từ trong nhà lao ra cắn. Anh trai của bé nhanh chân nên chạy thoát, còn bé Q. bị 3 con chó to bằng người tranh nhau cắn xé. Chủ nhà nghe thấy tiếng chó sủa inh ỏi, liền chạy ra coi. Song chỉ nhìn thấy 3 con chó đang giành nhau một vật gì đó nên quay vào nhà. Một lúc sau, chủ nhà lại quay ra và lần này thì phát hiện bé Q. đang giãy giụa dưới chân 3 con chó.
Ngay lập tức bé được đưa tới Bệnh viện (BV) tỉnh rồi chuyển lên BV Nhiệt Đới. Tại đây, bé Q. được tiêm vắc xin phòng bệnh dại, huyết thanh kháng dại và uốn ván. Sau đó, bé được chuyển sang BV Nhi đồng I. Khám cho bé, các bác sĩ ghi nhận nhiều vết thương nham nhở toàn thân, nhiều nhất là ở mặt, bầm tím mắt trái, người bé lên cơn sốt. 4 ngày sau bé xuất viện, trên người chi chít vết thương…
Ngày 22-3-2008 là thứ bảy nên bé Đ.Ng.Ng – 5 tuổi (xã Tân Xuân, Hóc Môn, TP.HCM) không phải đi học ở trường mầm non. Buổi sáng bé ở nhà chơi đùa với con chó mà gia đình nuôi hơn một năm nay. Không biết bữa nay có vụ gì mà con chó nổi quạu cắn vào mặt bé không thương tiếc. Bé được đưa tới Khoa Răng hàm mặt – BV Nhi đồng I cấp cứu. Bé nhập viện trong tình trạng hoảng hốt lo sợ, đầu và mặt quấn băng che kín. Khi tháo băng ra, các bác sĩ vô cùng sửng sốt trước hậu quả mà con chó để lại. Một phần lớn da, cơ mặt bị chó cắn rồi tha mất khiến cho vết thương chiếm gần hết phần mặt bên phải và sâu đến mức làm lộ cả mặt trước xương hàm trên. Bờ dưới mi mắt và khóe mắt ngoài bị xé rách gây tụ máu trong kết mạc mắt phải. Nhiều vết trầy xước ở mũi, môi và phần mặt trái do chó quào. Bé được tiến hành mổ cấp cứu, sau 2 giờ phẫu thuật, cuối cùng vết thương thiếu hổng ở vùng mặt cũng được đóng kín…
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều nạn nhân bị chó cắn mà BV Nhi đồng I đã cứu chữa…
Nhà có trẻ em thì không nên nuôi chó
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu – Trưởng khoa Răng hàm mặt – BV Nhi đồng I thì tình trạng trẻ em bị chó cắn ở vùng mặt khá phổ biến. Nguyên nhân là do ở lứa tuổi này đa số trẻ thích chơi đùa với chó nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm của chó, đặc biệt chưa đủ sức để tự bảo vệ khi bị chó tấn công. Sở dĩ trẻ em thường bị chó cắn vào mặt là do độ cao tầm mặt của các bé ngang tầm với miệng và chân của chó.
Vết thương do chó cắn không chỉ gây rách nát vùng mặt như mũi, mắt, miệng, tai, má mà còn dễ bị nhiễm các loại tạp khuẩn, virus gây bệnh dại từ nước bọt, nhiễm uốn ván từ móng vuốt của chó.
“Thông thường chó ít khi cắn người, đặc biệt là chó nuôi gần gũi trong nhà. Tuy nhiên, khi bị trẻ chọc phá một cách quá đáng lúc nó đang ăn, đang ngủ, nhất là trong thời gian nuôi con thì chó sẽ phản ứng lại bằng cách tấn công trẻ. Chính vì thế để phòng tránh chó cắn, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ hạn chế tiếp xúc, tránh đùa giỡn chọc phá chó, tránh thâm nhập vào địa phận dành riêng cho chó. Đối với chó lạ thì tuyệt đối không được lại gần. Cách tốt nhất là trong nhà có trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi thì không nên nuôi chó. Trong trường hợp cần thiết phải nuôi thì cần lưu ý: xích nhốt chó ở nơi biệt lập mà trẻ không có khả năng tới, không tập hay huấn luyện chó những động tác hiếu chiến, những trò chơi tấn công, chích ngừa đầy đủ cho chó. Bên cạnh đó cần hướng dẫn trẻ biết cách tự bảo vệ vùng đầu mặt của mình khi không may bị chó tấn công bằng động tác: cuộn tròn người lại như trái banh, hai tay ôm chặt lấy đầu và mặt”, bác sĩ Đẩu nhấn mạnh.
Được biết, việc điều trị các vết thương do chó cắn thường rất phức tạp, tốn kém. Những vết thương này thường để lại các di chứng như sẹo co kéo, tổn thương các cơ quan vùng mặt, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng khuôn mặt của bé sau này…
Minh Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)