Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cảnh giác với kiếm việc làm Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Dịp gần Tết, do được nghỉ dài ngày nên rất nhiều sinh viên (SV) tỉnh lẻ chọn ở lại TP.Hà Nội kiếm việc làm thêm, giúp gia đình trang trải học hành. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, SV sẽ rất dễ bị mắc những chiêu lừa trong quá trình tìm việc…

Sinh viên đang học ở Hà Nội tìm kiếm thông tin việc làm Tết

Công việc không đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, vừa nhàn nhã, không tốn nhiều thời gian lại lương cao là những cái “bẫy” mà SV dễ dàng sập…

Kiếm việc Tết ở nhà chờ xe buýt!

Điểm chờ xe buýt trên đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy) lúc nào cũng đông nghẹt SV. Vì là điểm đón xe buýt của SV nhiều trường ĐH nên luôn được chọn làm nơi “quảng cáo” miễn phí của những dịch vụ thuê nhà, việc làm cho SV, từ thời vụ, bán thời gian cho đến lâu dài.

Đặc biệt, khi kỳ nghỉ Tết Bính Thân của SV sắp đến gần thì những dịch vụ này lại càng “nóng” hơn bao giờ hết. Những tờ rơi tuyển cộng tác viên gấp phong bì, gập hộp, phát tờ rơi, trực tổng đài điện thoại, nhân viên bán hàng… dán chồng chéo lên nhau. “Không qua môi giới, nhận việc làm luôn, làm việc theo giờ, lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng, hoàn thành tốt sẽ có thưởng…” là những lời quảng cáo có cánh trên tờ rơi.

Hồng Thắm (SV năm 2, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết mình hiện đang có nhu cầu tìm một việc làm thêm vào dịp nghỉ Tết nên “việc gấp phong bì tại nhà em thấy mình vừa được chủ động thời gian lại không phải đi đâu cả”. Tuy nhiên, cô SV năm 2 cũng đắn đo, dù trên tờ rơi ghi là không mất phí nhưng chỉ sợ lại phải qua môi giới thì cũng mất vài trăm ngàn bạc.

Tại điểm trung chuyển xe buýt đối diện ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, những quảng cáo việc làm thêm cho SV dịp cận Tết cũng “sôi nổi” không kém. Hoàng Yến (SV năm nhất ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết, với thời gian nghỉ Tết dài nên SV hoàn toàn có thể nhận làm thêm những công việc thời vụ. Vừa chỉ vào danh sách những công việc làm thêm, Yến vừa chia sẻ: “Em thấy có thông tin tuyển nhân viên tiếp thị cho hãng mỹ phẩm tại siêu thị Big C, lương tháng cũng 2 triệu, làm việc theo ca, lại làm việc tại một siêu thị lớn nên cũng yên tâm. Em sẽ điện thoại để xin được ứng tuyển vào vị trí này”.

Tuy nhiên, đó chỉ là những thông tin ghi trên tờ rơi quảng cáo. Còn thực hư thế nào, SV phải liên hệ vào số điện thoại được ghi dưới tờ quảng cáo.

Đến “sập bẫy”

Trong vai một SV đang có nhu cầu tìm việc làm thêm vào dịp Tết, tôi liên hệ theo số điện thoại 01665…319, trên một tờ rơi quảng cáo dán trên bảng trạm xe buýt trước cổng ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Bắt máy là một người đàn ông giọng còn trẻ, nhận là Dũng. Người này nói, nếu muốn làm việc ở siêu thị vào dịp Tết thì phải làm hồ sơ, bao gồm chứng minh nhân dân photo, thẻ SV photo và phải đóng thêm 200.000 đồng lệ phí. Sau đó, người này cho địa chỉ công ty tại đường Kim Giang, Q.Hoàng Mai (Hà Nội) với lời cam kết “nếu không nhận được việc hoặc công việc không ưng ý, công ty sẽ hoàn tiền cho em”.

Khi tôi thắc mắc rằng, nộp phí và qua công ty thì khác nào môi giới, người này chống chế “không phải môi giới mà là giới thiệu việc làm”!

Thu Hiền (SV năm 2, Học viện Tài chính) lại “sập bẫy” theo một cách khác. Tết dương lịch, Hiền đã đến một trung tâm dịch vụ việc làm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) để xin việc. Tại đây, sau khi xem xét danh sách công việc, cô SV năm 2 được tư vấn làm việc gấp phong bì với giá 1.500 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, mức phí phải đóng là 350.000 đồng. Nghĩ rằng công việc vừa linh hoạt thời gian, lại không quá khó, thu nhập nếu chăm chỉ cũng sẽ cao nên Hiền đã đồng ý đóng tiền. Sau đó, Hiền được giới thiệu đến địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) để nhận hàng. “Tại đây em phải đóng 120.000 đồng tiền giấy, keo dán, kéo. Họ nói mang 10 sản phẩm về làm mẫu, hôm sau mang lại. Hôm sau mang đến, họ nói không đạt, yêu cầu làm lại. Cứ thế, hai, ba lần đều không đạt. Em muốn trả lại đồ nghề, hoàn phí hồ sơ và đòi lại tiền nhưng họ từ chối. Thế là mất nửa triệu bạc”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)