Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với màu đỏ bất thường của xôi gấc

Tạp Chí Giáo Dục

Trái mùa, gấc trở nên khan hiếm, tuy nhiên xôi gấc vẫn được bán phổ biến. Vấn đề đặt ra là màu sắc của món xôi gấc này đỏ đẹp khác thường, người tiêu dùng lo ngại có hay không việc "nhuộm màu" cho xôi gấc.

Với "công nghệ làm màu" xôi gấc được nhuộm phẩm sẽ có màu đỏ khác thường

"Cả trăm nghìn một quả gấc thì lời lãi vào đâu"?

Tại chợ Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, chị bán xôi tên Hà nhanh tay đơm xôi cho khách, cả thúng xôi được phủ kín từng lớp bì để giữ nhiệt. Chị bán xôi liến thoắng: "Xôi gấc bán tối thiểu10.000 đồng/gói không bán kém hơn". 3 gói xôi gấc anh Trung (Mai Dịch, Từ Liêm, HN) mua của chị Hà không lấy có một hạt gấc, màu sắc gói xôi đỏ tươi, khác xa màu cam nhạt thường thấy ở xôi gấc.

"Tôi khá ngạc nhiên là tại sao xôi gấc mà lại chả có chút gì gọi là … gấc cả. Xôi có màu đỏ và có mùi vị khá bất thường không giống xôi gấc như gia đình tôi vẫn nấu. Liệu họ có cho cái gì vào không?", anh Trung phản ánh.
Tìm hiểu của PV, vào thời điểm này không phải mùa gấc nên các tiểu thương kinh doanh đồ ăn sáng thường phải sử dụng gấc từ mùa trước để chế biến. Theo một phụ nữ tên Thanh, người chuyên muối gấc để kinh doanh thì họ thường bỏ gấc vào thùng và theo công thức: một lớp gấc, một lớp muối, một lớp gấc, một lớp đường. Tuy nhiên, chị này cho biết, với những người kinh doanh xôi nếp quanh năm thì dù có tích trữ thì gấc cũng không đủ để sản xuất xôi cho hết một mùa. Do đó, để “tiết kiệm” nhiều người đã pha trộn cả phẩm màu để tăng thêm phần hấp dẫn cho xôi gấc.
“Có người sử dụng phẩm màu trộn lẫn gấc để tăng màu đỏ cho xôi. Đợt đầu năm, tôi bỏ mối gấc cho các cơ sở bán xôi phục vụ cho việc đi lễ chùa, thì hầu hết nhà nào cũng dùng thêm phẩm màu cho xôi gấc. Chỉ cần tí ti màu là được một thúng xôi, đi lễ chùa thấy đỏ là ai cũng nghĩ xôi gấc chứ có quan tâm là nó trộn gì đâu”, chị Thanh nói.
Cũng theo chị này, dù trái mùa nhưng gấc tươi vẫn có nhưng giá không hề rẻ. “Bán xôi chủ yếu lấy công làm lãi, 1 quả gấc cả trăm nghìn thì lời lãi vào đâu?” vì thế, nhiều người vẫn lạm dụng phẩm để làm màu cho xôi để bán cho khách hàng.
Cách thức làm màu cho xôi gấc rất đơn giản, chỉ cần bỏ một đến hai thìa bột màu vào ngâm cùng với gạo sau đó khi xôi chỉ cần trộn thêm một phần gấc là có được cả thúng xôi với màu đỏ bắt mắt.
Dù bị làm màu nhưng xôi gấc rất được ưa chuộng và thường bán đắt hơn các loại xôi khác. Nếu tinh ý thì người ăn sẽ phát hiện ra ngay bởi xôi gấc xịn thì có màu cam nhạt và không ngấm sâu vào gạo, còn xôi bị nhuộm màu thì màu sẽ đỏ tươi và tất cả sẽ ngấm rất đều. Đặc biệt, xôi có sử dụng phẩm màu thì mùi vị sẽ hăng không được thơm ngậy như mùi của gấc.
Thận trọng với xôi gấc bị “làm màu”
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, việc sử dụng phẩm màu tổng hợp để pha trộn chế biến xôi gấc là hết sức nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Ông Thịnh cho biết: "Phẩm màu tổng hợp là các phẩm màu được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hóa học, thường được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, làm mực in…, rất ít khi dùng cho thực phẩm, nếu lạm dụng có thể gây ngộ độc".
Hiện nay, phẩm màu tổng hợp hóa học thuộc diện cấm, có thể gây chứng chậm phát triển trí não, làm nghiêm trọng hơn chứng bệnh tăng hiếu động ở trẻ em hoặc biểu hiện bất thường về hành vi, một số loại có thể gây dị ứng. Nếu con người sử dụng thường xuyên, liều cao loại phẩm màu công nghiệp, lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, suy gan, suy thận, thậm chí là gây ung thư.
Ông Thịnh cũng khuyên người tiêu dùng nên "tẩy chay" các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, bóng bẩy, thực phẩm nguồn gốc chế biến không rõ ràng, nhãn mác không đăng ký chất lượng, không ghi tên loại phẩm màu sử dụng. Các cơ sở chế biến thực phẩm, nước giải khát, không mua chất tạo màu ngoài thị trường tự do, khi không nắm rõ chủng loại, nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
"Với xôi gấc có màu sắc, mùi vị bất thường thì không nên mua và sử dụng. Tốt nhất không nên sử dụng những thực phẩm trái mùa để tránh việc gian thương sử dụng chất bảo quản, chất cấm để thực phẩm tươi ngon", ông Thịnh nói.
Tại Việt Nam, trong "Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm" ban hành kèm theo Quyết định số 867/QĐ – BYT, ngày 4/4/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy định cho phép sử dụng 10 loại phẩm màu tổng hợp dùng trong thực phẩm như phẩm vàng tartrazine, phẩm xanh brillant, phẩm đỏ erythrosine, amaranth, ponceau, carmoisine… và phải sử dụng dưới giới hạn cho phép, để không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Theo VietQ.vn

Bình luận (0)