Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với màu thực phẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Cẩn trọng với các loại xôi lạm dụng màu sắc sặc sỡ như thế này. Ảnh: H.GIANG
Màu thực phẩm (MTP) có tác dụng làm cho đồ ăn thức uống nhìn bắt mắt giúp thực khách thêm cảm giác ngon miệng và thèm ăn. Nhiều khuyến cáo cho thấy, MTP giống con dao hai lưỡi, nếu lạm dụng sẽ gây ngộ độc, nguy hiểm nhất là các loại MTP không có nguồn gốc.
Lạm dụng màu sắc sặc sỡ
Trong quá trình chế biến, các bà nội trợ đã sáng tạo tìm cách làm cho thức ăn có màu sắc tươi đẹp và hấp dẫn hơn. Nồi cà ri, niêu cá kho truyền thống có màu vàng từ lâu nhờ gia vị từ củ nghệ hay mật mía. Lá rau ngót, lá dong nhuộm thêm sắc xanh cho bánh chưng, bánh tét. Màu tím của xôi lá cẩm cũng từ một loại cây trồng mà ra. Từ kinh nghiệm đó các bà nội trợ đã biết tận dụng rau củ, cây lá như cà rốt, cà chua, gấc, bơ, đu đủ để “khoác lên” các loại thức ăn đồ uống một “khuôn mặt” mới. Cho đến mứt, bánh kẹo sau này đều được các nhà chế biến “đổi sắc thay da” đều có những “lớp áo” bên ngoài sặc sỡ hơn. Khi công nghệ hóa thực phẩm tiến bộ, các loại MTP tự nhiên đã được thay thế bằng các loại MTP chiết xuất từ thiên nhiên cho tiện lợi và hạ giá thành. Tuy nhiên, bắt đầu từ đó nhiều loại MTP bị lạm dụng, không chỉ đánh mất đi vẻ đẹp tự nhiên của các loại đồ ăn thức uống mà còn gây nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cho con người.
Một thực tế hiện nay, nhiều tiệm xôi chè nấu nguyên gánh thiếu lá cẩm đành phải “cầu cứu” MTP bán ngoài chợ, nhất là khi nguồn lá cẩm thật sự khan hiếm. Trên các đoạn đường đi hay trước cổng trường học, vẫn thường gặp những xe bán xôi vị ngũ sắc đủ 5 màu xanh, tím, vàng, nâu, cam sặc sỡ nhằm thu hút người mua, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. “Lá cẩm, trái gấc không thể cho ra đủ màu như thế mà chắc chắn người bán phải nhuộm gạo nếp bằng MTP ngoài chợ” – cô Nguyễn Thị Kim Tuyến – giáo viên môn dinh dưỡng Trường THPT Phan Đăng Lưu  khẳng định. Không chỉ có xôi mà các loại bánh tằm khoai mì, bánh tằm gạo cũng được nhuộm màu xanh, màu vàng từ hóa chất. Đây cũng là chiêu quen thuộc của các nhà hàng dùng các phẩm màu hóa học để tẩm ướp gia vị khiến cho các món ăn trở nên hấp dẫn. Nguyên liệu làm cocktail hay các loại mứt, nước giải khát, rượu có màu sắc sặc sỡ cũng do “bàn tay phù phép” của MTP.
Khuyến khích tận dụng màu tự nhiên
Điều đáng nói là nhiều chủ quán đã lạm dụng cũng như tìm mua các loại MTP rẻ tiền và trôi nổi với mục đích hạ giá thành để kiếm lời càng nhiều càng tốt. Vì thế, mới có chuyện vịt quay, gà nướng được tẩm màu bằng dầu đánh vẹc-ni hay màu dùng trong công nghiệp mà báo chí đã từng phản ánh. Vì lợi ích trước mắt người kinh doanh đã bỏ qua quyền lợi, sức khỏe, tính mạng cho “thượng đế”, vô tư khi dùng các loại phẩm màu công nghiệp, thậm chí cả những sản phẩm nằm trong danh sách phụ gia bị cấm.   
Cô Tuyến khuyên, chỉ nên sử dụng MTP vừa phải tăng thêm vẻ đẹp cho món ăn chứ không quá lạm dụng các loại phẩm màu. Tốt nhất nên tận dụng các màu sắc từ thực phẩm thiên nhiên: Muốn có màu xanh thì lấy nguyên liệu từ trái bơ, lá dứa; màu đỏ từ màu của trái lựu trái gấc… Những loại này tuy không phong phú về màu sắc nhưng độ an toàn thực phẩm cao, không nguy hại đến sức khỏe, hơn nữa lại có giá trị dinh dưỡng và chữa một số bệnh khác. Nếu cần “cứu trợ” đến MTP các bà nội trợ nên sử dụng các loại màu dạng nước hay dạng bột nhưng có nguồn gốc và độ tin cậy cao. Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều loại MTP được các nhà máy chế biến bánh kẹo, công ty sản xuất nước uống sử dụng như Công ty Sản xuất thương mại Việt Mỹ (VMC Group) chuyên cung cấp MTP cao cấp với nhiều chi nhánh uy tín trên toàn quốc. Kỹ sư Nguyễn Văn Sai – Trưởng đại lý khu vực miền Nam cho biết, VMC Group chỉ bán những sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm kiểm nghiệm và khuyến cáo các MTP tự nhiên còn có màu thực phẩm tổng hợp. Kỹ sư Sai khuyên khách hàng nên mua những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, làm đúng làm đủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất giúp tăng năng suất mà vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Quang Phan
Không dùng phẩm màu nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế
Trao đổi vấn đề này, ông Lâm Quang Hùng – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế) khuyến cáo, khi mua thực phẩm phải chú ý nơi sản xuất, thời gian sử dụng, thức ăn có màu sắc bình thường. Đặc biệt lưu ý là không dùng phẩm màu và các loại đường nằm  ngoài danh mục mà Bộ Y tế cho phép. Người tiêu dùng cũng đừng quá chú trọng về hình thức ăn uống, nên bỏ thói quen thích chọn mua các thức ăn có màu sắc sặc sỡ vì luôn ẩn chứa những nguy cơ về sức khỏe do MTP gây ra. Phụ huynh cũng không nên khuyến khích trẻ ăn những đồ ăn thức uống được pha chế từ phẩm màu công nghiệp không chỉ có nguy cơ ngộ độc mà còn dẫn đến tình trạng béo phì, tăng huyết áp…
 
 

Bình luận (0)