Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh giác với nạn buôn bán tiền giả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thường vào dịp cuối năm cho đến Tết Nguyên đán là thời điểm giới buôn bán tiền giả hoạt động rầm rộ do giao dịch của người dân tăng cao. Với cam kết chất lượng đạt 99%, giao hàng toàn quốc, bảo mật thông tin cho khách hàng một cách tuyệt đối, nhiều người hám lợi đã liều lĩnh mua “hàng giả” bằng tiền thật. Trong đó có trường hợp đã phải nhận cái kết đắng.

Hoạt động buôn bán tiền giả đang diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội

1 triệu đồng đổi được… 7-12 triệu đồng

Chỉ cần gõ từ khóa “buôn bán tiền giả”, “đổi tiền giả” trên facebook hoặc Google, kết quả trong vài chục giây sẽ cho ra hàng loạt tài khoản cá nhân hoạt động từ nhóm công khai cho đến nhóm kín. Trên các fanpage hay tài khoản cá nhân đăng tải nhiều hình ảnh và clip quảng bá tiền giả (có mệnh giá từ 50 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng) với những lời quảng cáo hấp dẫn. Tiêu biểu như trên facebook Nguyễn Bảo Đan L. (TP.HCM) ngày 11-12-2018 đăng đàn “hỗ trợ những người kẹt tiền, nợ banh bóng, lô đề, thiếu tiền mua sắm, ăn chơi bay nhảy”. Với tỷ lệ hấp dẫn, khách hàng chỉ cần “đầu tư” 1 triệu đồng tiền thật sẽ có cơ hội sở hữu 12 triệu đồng tiền giả. Tương tự, nếu “đầu tư” 2 triệu đồng sẽ được 24 triệu đồng; 5 triệu đồng sẽ được… 60 triệu đồng. Theo đó, khách lần đầu giao dịch sẽ thanh toán 50% qua thẻ card (Viettel, Mobi, Vina), khách quen có thể thanh toán qua ATM và đặt hàng trực tiếp qua điện thoại. Với cam kết “giống tiền thật đến 99%, làm bằng chất liệu polyme, bằng mắt thường không thể phát hiện được”, nhưng người bán vẫn cảnh báo “không nên sử dụng tiền giả ở những nơi có máy soi để tránh bị phát hiện”. Ba hôm sau, vào ngày 14-12, tài khoản này cho biết “đã phân phối hàng về các tỉnh thành, ở các nơi đều có nhân viên giao hàng tận nơi để bảo mật cho khách một cách tuyệt đối”.

Tương tự, trang facebook Ngô Ánh T. (TP.HCM) cho biết đã thâm nhập thị trường kinh doanh tiền giả được 2 năm. Người này cho biết “vì hút hàng, tiền mới nhập về chỉ khoảng 2-3 ngày là hết, nên mọi người không lo bị công an sờ gáy”. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần cung cấp địa chỉ, số điện thoại, mệnh giá tiền, sẽ nhận được tiền trong thời gian sớm nhất kèm hàng khuyến mãi là bao lì xì Tết “vì shop tăng cường hoạt động 24/24 giờ”. Để qua mắt lực lượng chức năng, shop khuyến cáo khách hàng không nên nộp loại tiền này vào ngân hàng, nhưng có thể mua sắm thoải mái ở chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, cây xăng, hoặc sửa nhà, mua xe, đầu tư kinh doanh… Với hoạt động này, đối tượng buôn bán tiền giả nghiễm nhiên trở thành người được khách hàng mang ơn. Trong số đó, khách hàng Nguyễn Thị Hạnh Nga (quê Đồng Nai, hiện đang sinh sống tại TP.HCM) công khai cảm ơn trên fanpage vì “đã giúp em trả hết nợ nần, giờ em muốn đặt mua thêm để tiêu xài”.

Theo lý giải của người bán, tùy theo xuất xứ tiền nên có sự chênh lệch mức phí đổi. Với nguồn tiền từ Trung Quốc, 1 triệu đồng tiền thật chỉ đổi được 7 triệu đồng tiền giả, trong khi 1 triệu đồng tiền thật có thể đổi được từ 10-12 triệu đồng đối với tiền xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia… Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cá nhân, tình trạng lừa đảo “tiền đã trao nhưng không nhận được hàng” cũng trở nên phổ biến. Tiêu biểu như trường hợp của bà Nguyễn Thu H. (ngụ phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Khi thấy tài khoản facebook tên “Nhật Vy” rao bán tiền giả với tỷ lệ hấp dẫn, bà H. đã chuyển cho Bùi Văn Hải (22 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) hơn 4,2 tỷ đồng để mua 18 tỷ đồng tiền giả. Tuy nhiên, sau khi đã trả đủ tiền thông qua thẻ megacard và nộp tiền mặt vào tài khoản tên Nguyễn Dương Trang Đ., bà H. vẫn không nhận được hàng, thậm chí liên lạc với người bán không được nên đã trình báo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Khi đối tượng Hải đang rút tiền tại cây ATM ở quận 12 thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Với chiêu thức bán tiền giả qua facebook, liên hệ với khách bằng sim “rác”, nhận tiền qua mã thẻ cào, sau đó cắt mọi liên lạc với khách hàng, Hải đã lừa 10 nạn nhân khác với số tiền 1,3 tỷ đồng. Trong phiên xét xử mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Bùi Văn Hải 12 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Buôn bán tiền giả là vi phạm pháp luật

Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, do nhu cầu giao dịch của người dân tăng cao vào thời điểm cuối năm nên là cơ hội để các đối tượng lợi dụng buôn bán tiền giả. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, mà còn gây xáo trộn trật tự xã hội. Điều đáng nói là các facebooker đã đánh cắp tài khoản của người khác hoặc sử dụng thông tin và hình ảnh giả mạo trên trang cá nhân để làm bình phong cho hoạt động trái phép. Với chiêu trò “đặt cọc trước, nhận hàng sau”, nhiều đối tượng sau khi nhận tiền cọc đã cắt liên lạc với người mua. Nếu đây là thủ đoạn chiếm đoạt tài sản, thì người mua sẽ mất tiền oan, nhưng nếu là hoạt động bán tiền giả, thì cả người bán và người mua đều vi phạm pháp luật.

Để phân biệt tiền giả với tiền thật, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số đặc điểm nhận biết như sau: Chất liệu in tiền giả dễ bị giãn, rách khi bị kéo, mực in dễ bị bong tróc; tiền giả thường dày và giòn hơn tiền thật nên chỉ cần vò mạnh tay có thể rách hoặc hằn rõ nếp gấp; vùng nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tiền thật có số mệnh giá dập nổi tinh xảo, còn tiền giả càng cũ càng mờ đi, hoặc thậm chí không có số dập nổi; tiền giả soi dưới đèn cực tím không có màu phản quang và có rất nhiều tờ trùng số seri.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật quy định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Việt Nam. Do đó hành vi buôn bán tiền giả trên facebook là giao dịch vi phạm pháp luật. Cụ thể, điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)