Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với sốt xuất huyết ở người lớn!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết bệnh sốt xuyết huyết diễn biến phức tạp, đỉnh điểm là vào tháng 10 và 11 hằng năm. Trung tâm cũng đề nghị y tế cơ sở theo dõi sát tình hình sốt xuất huyết ở người lớn

Lâu nay, không ít người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường tấn công trẻ nhỏ còn người trưởng thành thì ít bị đe dọa. Thế nhưng, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng người lớn một khi mắc bệnh này là rất dễ tử vong.
Số ca SXH người lớn tăng nhanh
Trường hợp người lớn tử vong do SXH mới nhất là anh L.B.Đ (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Trước khi mắc bệnh và nhập viện, anh Đ. cùng vợ chồng người chị gái đang đi làm tại một xưởng bánh trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Theo thông tin từ gia đình, khoảng một tuần trước nhập viện, anh Đ. có biểu hiện sốt liên miên, bỏ ăn, tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đến khám tại một cơ sở y tế ở phường An Lạc, anh được truyền dịch, cho thuốc về uống nhưng bệnh cũng không thuyên giảm. Đến Bệnh viện (BV) quận Bình Tân thì các bác sĩ chẩn đoán bị “sốt, đau họng” rồi cho thuốc về nhà tiếp tục uống.
Ca người lớn thứ 5 tử vong do mắc sốt xuất huyết
Tuy nhiên, bệnh tình anh Đ. ngày một nặng thêm và vài ngày sau thì rơi vào tình trạng suy kiệt, cơ thể tím tái. Vào BV quận 6 cấp cứu, ngay lập tức, các bác sĩ chuyển anh Đ. sang BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Tại đây, các bác sĩ xác định anh Đ. bị SXH ngày thứ 6, nhập viện trong tình trạng mạch huyết áp không đo được. Các kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu, hôn mê. Dù được xử trí khẩn cấp, cho thở máy, truyền máu, đồng thời lọc máu liên tục nhưng do bệnh quá nặng nên sau một tuần điều trị, anh Đ. không qua khỏi. Đây là trường hợp thứ 5 tử vong do bệnh SXH ở người lớn tại BV Bệnh nhiệt đới từ đầu năm đến nay.
Tại Khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, những ngày qua, trong số hơn 70 trường hợp điều trị nội trú bệnh SXH thì 50 ca là người lớn. Còn tại Khoa Nhiễm BV Cấp cứu Trưng Vương, trong tuần qua, nơi đây đã tiếp nhận hàng chục ca SXH mỗi ngày, trong khi trước đó chỉ một vài ca…
Dễ tử vong do chủ quan
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, bệnh SXH diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng, đỉnh điểm là vào thời điểm tháng 10 và 11 hằng năm. Thống kê chỉ riêng những tuần đầu của tháng 10, bệnh SXH trên địa bàn thành phố đã tăng 25% so với tháng trước với hơn 800 ca mắc, nâng tổng số ca bệnh trên địa bàn từ đầu năm đến nay là hơn 5.500.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP, bệnh SXH đang bước vào mùa cao điểm, thời tiết mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. “Với đặc điểm có nhiều kênh rạch, công trình xây dựng nên muỗi mòng gây bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển ở TP” – ông Thọ nói.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết nhiều người nghĩ rằng bệnh SXH chỉ xảy ra đối với trẻ nhỏ, còn ở người lớn thì gần như miễn nhiễm hoặc nhiều người mắc SXH mà không biết, cứ nghĩ là cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc. “Đó là sự chủ quan dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc” – TS-BS Châu khẳng định.
Các chuyên gia y tế cho rằng SXH ở người lớn rất khác ở trẻ em. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại – xuất huyết nhiều hơn sốc và sốt cao hơn trẻ em. Người lớn mắc SXH có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch). Ở nữ giới, khi mắc bệnh này, xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt và điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng mắc bệnh phụ khoa.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh SXH đang ở giai đoạn cao điểm nên người dân nên hết sức cảnh giác. Các cơ sở y tế địa phương cũng cần tăng cường phát hiện, điều trị SXH ở người lớn vì dễ bị biến chứng phức tạp, nguy cơ tử vong nhanh nhưng ít được chẩn đoán sớm. Nhiều bệnh nhân khi lên tuyến trên thì đã trở nặng.
SXH dễ nhầm với bệnh khác
Theo ThS-BS Nguyễn Trần Nam, Phó Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 TP HCM, ở trẻ nhỏ, bệnh SXH thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý khác về hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa… Các bác sĩ cho biết người lớn khi đau bụng vùng hạ sườn phải, chóng mặt, đau đầu, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tiểu ít trong khi có biểu hiện ói, đi cầu hay tiểu ra máu và vật vã… đều là các dấu hiệu của SXH nên phải nhanh chóng nhập viện điều trị.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)