Chỉ trong gần 3 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bệnh nhân có tiền sử tiểu đường nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng, do uống thuốc đông dược trôi nổi, trong đó có trường hợp đã tử vong. Theo phản ánh của bệnh nhân, lực lượng chức năng đã kiểm tra cơ sở bán thuốc và tịch thu hàng ngàn viên thuốc “thần dược” không rõ nguồn gốc.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra và tịch thu 114 ngàn viên thuốc “thần dược” tại cơ sở của bà Lâm Kim Xuyến (Ô Môn, Cần Thơ) |
Tịch thu 114 ngàn viên thuốc “thần dược”
Theo bác sĩ Phan Thị Phụng (Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ), trong khoảng 3 tháng nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân thuộc các vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tiền sử bị bệnh tiểu đường, nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng. Điểm chung của các trường hợp này là đều sử dụng thuốc đông dược hạ đường huyết trong thời gian dài. Đây là loại thuốc dạng viên, người dân thường gọi là thuốc tàu hoặc thuốc tễ. Trong đó có trường hợp sử dụng thuốc giúp giảm lượng đường trong cơ thể, nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng, tình trạng nặng toan chuyển hóa pH: 6,7-6,8 (bình thường pH 7,35-7,45), chưa kịp cấp cứu bệnh nhân đã ngưng tim, tụt huyết áp và tử vong.
Ông Võ Văn B. (49 tuổi), một bệnh nhân ngụ phường Phước Thới (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cho biết, ông bị tiểu đường khoảng 5 năm nay, nghe người quen mách nước đã tìm mua thuốc tại cơ sở của bà Lâm Kim Xuyến để sử dụng hơn một năm qua. Mỗi khi đường tăng cao, ông B. uống thuốc của bà Xuyến là ổn định ngay, nhưng hai tháng trước ông bị đau bụng và ói ra máu nên người nhà lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ Lê Công Bình (Phó Trưởng đoàn kiểm tra hành nghề y dược quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cho biết, từ thông tin bệnh nhân phản ánh, lực lượng chức năng quận Ô Môn đã thành lập đoàn kiểm tra cơ sở của bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn) vào ngày 2-3 vừa qua, và tịch thu hơn 114 ngàn viên thuốc đông dược (không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc). Bà Xuyến thừa nhận với cơ quan chức năng là đã mua số thuốc này ở An Giang. Thuốc có tác dụng trị các bệnh tiểu đường, đau bao tử, gút, bệnh khớp, viêm mũi. Bản thân bà Xuyến không có chứng chỉ hành nghề, cơ sở cũng không có giấy phép hoạt động và không có bảng hiệu.
Theo bác sĩ Nguyễn Bách (Trưởng khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất), trung bình mỗi tháng phòng khám chuyên khoa thận tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp có sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Có trường hợp may mắn hồi phục sau khi điều trị, nhưng cũng có người bị suy thận hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời. |
Theo ông Trần Trường Chinh (Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ), hiện trên địa bàn có khoảng 1 ngàn cơ sở kinh doanh thuốc đông y nên không thể kiểm tra hết. Riêng với trường hợp của cơ sở bà Xuyến, lực lượng chức năng đã lập biên bản và sẽ tiến hành xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Ông Chinh lưu ý, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc đông y trôi nổi, thuốc dân gian truyền miệng, người này sử dụng rồi giới thiệu cho người kia, xem như một loại “thần dược” mà không lường được hậu quả về sau.
Suy thận vì uống thuốc trôi nổi
Tương tự như ở Cần Thơ, TP.HCM cũng từng xảy ra nhiều trường hợp do uống thuốc đông y trôi nổi nên bị suy thận. Trường hợp của ông B.V.P. (74 tuổi, ngụ TP.HCM) là một ví dụ. Do bị tai biến, chân tay hay bị đau nhức nên ông P. tự ý tìm mua thuốc của một thầy lang. Sau khi uống được vài ngày, toàn thân ông P. bị phù nề nghiêm trọng phải nhập viện Bệnh viện Thống Nhất điều trị. Tuy nhiên, sau khi được lọc máu, chức năng thận của ông chỉ hồi phục được một phần. Tương tự, ông T.N. (41 tuổi) do chậm có con nên đã tìm mua thuốc đông y uống để bồi bổ sức khỏe. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông T. cũng bị phù nề, bí tiểu, viêm ống thận mô kẽ cấp tính. Sau khi được chạy thận cấp cứu, ông T. may mắn phục hồi sức khỏe. Bệnh viện Thống Nhất cũng đã từng tiếp nhận trường hợp ông N.B.L (53 tuổi, Kon Tum). Sau khi uống rượu thuốc dân tộc, ông L. suy thận nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất điều trị. Tuy được tích cực điều trị, lọc máu cấp cứu 6 lần nhưng thận của ông L. không thể hồi phục, phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
Theo bác sĩ Nguyễn Bách (Trưởng khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất), trung bình mỗi tháng phòng khám chuyên khoa thận tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp có sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Có trường hợp may mắn hồi phục sau khi điều trị, nhưng cũng có người bị suy thận hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời. Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị suy thận cấp, hoại tử ống thận hoặc mô kẽ thận là do tự ý sử dụng một số loại thuốc tễ, thuốc có chữ tàu, cây cỏ cắt lát, thuốc bắc, rượu thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Bách khuyến cáo, người dân cần cảnh giác vì hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc được bán tràn lan và thầy lang hành nghề không phép.
Vũ Phương
Bình luận (0)