Cảnh giác với mánh lừa trên yahoo, gmail
|
Gần đây, nhiều người than phiền việc bị người lạ giả danh bạn bè trong yahoo nhảy vào mượn tài khoản và mật khẩu yahoo, gmail để gửi thư. Tuy nhiên, chỉ sau một lần cho mượn, tài khoản yahoo, gmail đều bị đổi mật khẩu và chủ nhân của nó không thể truy cập được.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hà, nhân viên Ngân hàng An Bình (Q.1, TP.HCM) cho biết: “Mình đang chat với bạn, bỗng nhiên có bạn nằm trong danh sách bạn bè nhảy vào hỏi, “Hà ơi, Dung đang muốn gửi cái thư, email của Dung bị virus tấn công, Hà cho Dung mượn tài khoản yahoo và mật khẩu được không?”. Sau đó khoảng một tiếng đồng hồ, mình truy cập lại, đối tượng tiếp tục, “Hà ơi, bực mình thật, yahoo cũng chẳng gửi được, Hà cho Dung mượn lại địa chỉ gmail đi cho dễ gửi và nhanh hơn… Cám ơn Hà nhiều nhé!”. Cứ nghĩ là bạn bè, Hà tin tưởng nên cho cả tài khoản và mật khẩu. Thế nhưng, ngày hôm sau, Hà truy cập yahoo và gmail để làm việc đều không được. Nghi ngờ có điều không hay, Hà gọi lại cho cô bạn mượn nick thì mới tá hỏa, người bạn không hề mượn, ngược lại chính người bạn này cũng bị đối tượng lạ mượn nick với những lí do tương tự.
Thông thường, sau khi đối tượng lạ mượn được tài khoản và mật khẩu yahoo, gmail sẽ đổi mật khẩu để sở hữu riêng tài khoản và tiếp tục làm những chiêu tiếp theo với những nick khác có trong danh sách bạn bè. Tuy nhiên, theo Hà cho biết: “Mục đích đối tượng lấy tài khoản và mật khẩu nhằm tìm hiểu thông tin, mối quan hệ của nhiều người trong danh sách bạn bè, sau đó nhờ vả mua card điện thoại, nhờ mượn một khoản tiền nhỏ… Bởi ngay chính người bạn bị giả danh của Hà đã từng bị đối tượng lạ giả là người quen biết nhờ mua card điện thoại giá 100.000 đồng nộp hộ vào tài khoản”.
Vừa qua, các chuyên gia an ninh mạng, Công an Đà Nẵng, Công an Quảng Trị phối hợp cùng Công an TP.HCM bắt được nhóm đối tượng thường xuyên lập các trang web lạ. Mục đích của việc làm này là tìm cách lấy tài khoản và mật khẩu yahoo, gmail của người khác làm những mục đích tương tự như mượn tiền, nhờ mua card điện thoại… Ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Công ty ITAS chuyên về bảo mật hệ thống mạng cho biết: “Người sử dụng internet khi nhận được bất cứ thông tin lạ như xin tài khoản, mật khẩu hay nhờ vả những việc mua card điện thoại, mượn tiền nên cẩn thận xác minh ngược lại bằng điện thoại hay nhiều cách khác. Khi nhận được đường link thì người dùng nên copy ra máy rồi kiểm tra lại địa chỉ người gửi. Tránh nhấp chuột vào, nhất là đường link liên quan đến tài khoản, thông tin cá nhân, thẻ tín dụng ngân hàng… Chúng ta nên cảnh giác, không nên tùy tiện cho tài khoản, mật khẩu một cách dễ dãi”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)