Tại nút ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà (Hà Nội), đèn tín hiệu bật xanh, bất chấp dòng phương tiện lao vun vút, nhiều người đi bộ vẫn băng qua đường. Chốt xử phạt được lập gần đó, nhưng cảnh sát chỉ đứng nhìn.
>TP.HCM: Vi phạm giao thông ở nội thành bị xử phạt nặng hơn
>TP.HCM: Vi phạm giao thông ở nội thành bị xử phạt nặng hơn
Ngày thứ hai Hà Nội áp mức phạt cao gấp đôi, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục được cải thiện. Tại các giao lộ, rất ít người không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Nhiều tổ cảnh sát khẳng định, so với ngày đầu tiên, sáng nay các lỗi vi phạm đã ít hơn.
Tuy nhiên, giống như ngày đầu tiên, người đi bộ vẫn vi phạm tràn lan mà không bị xử phạt hoặc nhắc nhở, dù theo quy định mức phạt tối đa là 120.000 đồng.
Người đi bộ sai luật tại ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà. Ảnh: Xuân Tùng |
Nút Chùa Bộc – Thái Hà, nhiều điểm sơn kẻ vạch dành cho người đi bộ khá rõ nhưng nhiều người vẫn đi không đúng vạch kẻ. Một số băng qua chéo góc ngã tư trước đầu xe máy. Tại nút giao thông Kim Liên – Giải Phóng, mặc dù có hầm cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn băng qua mặt đường.
Chiến sĩ Đặng Quang Vị, Đội CSGT số 4 cho biết, các anh đã được tập huấn về việc xử phạt người đi bộ nhưng khi áp dụng vào thực tế thì rất khó. Cảnh sát giao thông mới chỉ nhắc nhở những trường hợp vi phạm và yêu cầu đi đúng phần đường quy định.
Trực tại ngã tư Láng – Lê Văn Lương, Thượng úy Phan Hoàng Anh, Đội CSGT số 3 cho biết, rất khó xử phạt người đi bộ sang đường không đúng quy định vì hầu hết vạch kẻ sơn tại đây đều đã bị mờ.
"Cảnh sát sẽ giải thích việc giữ người thế nào khi mà các điều kiện tối thiểu dành cho người đi bộ không có. Chúng tôi đã có ý kiến với Sở Giao thông vận tải về vấn đề này nhưng không thấy đơn vị nào đến kẻ lại", thượng úy Anh nói.
Đại úy Bùi Gia Chình, Đội CSGT số 7, trực trên tuyến đường phân làn Nguyễn Trãi nơi được cho là có đủ điều kiện cho người sang đường đúng luật nhất Hà Nội, cũng lắc đầu kêu rất khó phạt người đi bộ.
Theo ông, có 2 trường hợp khó là: người đi bộ không mang giấy tờ, hoặc không có tiền. Nếu cảnh sát cương quyết xử phạt những trường hợp đó thì để xử lý được một trường hợp sẽ phải mất hàng tiếng đồng hồ vì phải dẫn về cơ quan, đơn vị người đó để làm việc, đó là những trường hợp chịu "hợp tác". Còn những trường hợp không chịu "hợp tác", không xuất trình giấy tờ, không nói nơi ở, làm việc… thì cảnh sát đành "bó tay".
Đi bộ sai luật ngay trước mặt cảnh sát trực tại chốt Kim Liên – Giải Phóng. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo Phòng CSGT, trong ngày đầu ra quân, Hà Nội xử lý 920 trường hợp vi phạm, phạt hơn 279 triệu đồng. Riêng khu vực 10 quận nội thành, cảnh sát giao thông đã xử lý 354 trường hợp vi phạm, phạt 159 triệu đồng.
Trong ngày đầu tiên, chưa có người đi bộ nào bị xử phạt do đi sai quy định. Cảnh sát giao thông mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở để người đi bộ chấp hành đúng luật.
Sở Giao thông vận tải cho biết, đến hết ngày 20/5, đơn vị này đã sơn kẻ đường, lại trên 100 tuyến phố của Hà Nội. Sở cũng đã cho cắm biển cho xe khách hoạt động tại khu vực 3 bến xe: Nước ngầm, Lương Yên, Giáp Bát và các biển phân chia khu vực nội, ngoại thành để xử phạt giao thông theo Nghị định 34. |
Xuân Tùng (VnExpress)
Bình luận (0)