Việc người dân chung tay tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông là việc rất đáng hoan nghênh, trân trọng. Tuy nhiên, anh dân phòng, nhân viên bảo vệ, hay xe ôm chỉ nên hướng dẫn giao thông trong các đường nội bộ ở khu dân cư, chứ không nên ra đường làm thay công việc CSGT.
Các nhân viên bảo vệ của cao ốc gần cầu Sài Gòn ra đường phân luồng cho xe máy lưu thông qua làn đường dành cho ô tô Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Tại nhiều giao lộ ở TPHCM vào giờ cao điểm lại vắng bóng cảnh sát giao thông (CSGT), chỉ có Thanh niên xung phong (TNXP) giữ trật tự giao thông. Khi xảy ra ùn tắc, xuất hiện các anh dân phòng, nhân viên bảo vệ, xe ôm… tự giác ra đường điều khiển giao thông. Những “CSGT nghiệp dư” đó tuy cũng góp phần làm giảm ùn tắc, nhưng về mặt pháp lý thì chưa ổn.
Tự giác tham gia điều khiển giao thông
Tại các nút cắt giao cắt với đường sắt đoạn trước khu Cá sấu Hoa Cà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), những lúc tắc đường lại thấy xuất hiện… một cụ già ra đường điều tiết giao thông. Cụ để đầu trần, không còi, không gậy, tất tả chạy ngược xuôi để hướng dẫn mọi người nhường đường cho nhau. Những lúc có đoàn tàu chạy qua, dòng xe cộ hai bên ùn lại nhiều, nhờ có cụ điều khiển nên giao lộ bớt hỗn loạn.
Hàng ngày, thời điểm 5 giờ chiều, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) luôn bị quá tải, lượng ô tô và xe máy lưu thông rất lớn. Từ ngày các cao ốc ven sông Sài Gòn đưa vào sử dụng, cư dân đông thêm, nên các giao lộ giao cắt với đường Nguyễn Hữu Cảnh càng bị ùn tắc, kẹt xe nặng hơn. Khi xảy ra ùn tắc ở các giao lộ này, thường thấy các nhân viên bảo vệ của những tòa cao ốc ra đường cầm gậy điều khiển, hướng dẫn giao thông. Trong dòng xe cộ chen lấn đông đúc, những nhân viên bảo vệ chạy ngược xuôi, miệng hét lớn để điều tiết dòng xe cộ. Có khi các nhân viên bảo vệ phân luồng cho các phương tiện xe máy lưu thông qua làn đường dành cho ô tô. Nhiều người đi xe qua đây cho biết, nhờ có các nhân viên bảo vệ điều khiển, hướng dẫn giao thông mà đường bớt tắc. Tuy nhiên cũng có nhiều lái xe không nghe theo sự phân luồng, nhân viên bảo vệ phải nhảy ra chặn đầu xe, càng khiến giao lộ rối ren hơn, có khi “vỡ trận”, các nhân viên bảo vệ chỉ biết đứng nhìn các lái xe leo xe chạy trên lề.
Những “CSGT nghiệp dư” xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường, nút giao lộ thường bị kẹt xe. Họ làm việc tự nguyện, xuất phát từ ý thức giúp gỡ rối kẹt xe ở giao lộ. Tinh thần nghĩa hiệp đó rất đáng hoan nghênh, nhưng đúng ra công việc này phải do CSGT đảm nhận theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền. Điều 3 Luật Giao thông đường bộ quy định: Những người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Điều 37 Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định rõ trách nhiệm điều khiển giao thông của CSGT là: chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông. Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, CSGT được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đậu xe. Như vậy, những người không có chức trách điều khiển và hướng dẫn giao thông không được quyền làm thay.
Thực hiện đúng vai trò, chức trách của CSGT
Từ nhiều năm qua, TPHCM đã giao lực lượng TNXP tham gia hỗ trợ CSGT điều khiển, hướng dẫn giao thông trên địa bàn. Tuy đây chỉ là giải pháp tình thế để lập lại trật tự giao thông, nhưng rồi ở nhiều địa bàn đã có hiện tượng giao luôn cho TNXP việc điều khiển, hướng dẫn giao thông, còn CSGT chỉ tập trung lo việc đón lỏng phạt vi phạm luật lệ giao thông. CSGT đã được huấn luyện kỹ nghiệp vụ và được trang bị sắc phục màu sáng đặc trưng có sức thị uy và giúp người tham gia giao thông dễ nhận thấy. Còn TNXP không có thẩm quyền phạt đối với những trường hợp không chấp hành, nên không thể làm gì khi người tham gia giao thông không nghe theo việc điều khiển, hướng dẫn giao thông. Đồng phục TNXP có màu dễ lẫn trong dòng xe cộ, rất nguy hiểm khi ra giữa đường phân làn giao thông. Với những “CSGT nghiệp dư” cũng gặp cảnh khó như vậy, tiềm ẩn rủi ro cho bản thân khi ra đường phân luồng. “CSGT nghiệp dư” cũng có thể bị xem là vi phạm pháp luật khi tạm thời phân lại luồng, phân lại tuyến không đúng chức trách và thẩm quyền.
Trường hợp các nhân viên bảo vệ phân luồng cho các phương tiện xe máy lưu thông qua làn đường dành cho ô tô là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch chỉ dẫn, biển báo. Do đó, không thể buộc người tham gia giao thông phải theo hướng dẫn của những “CSGT nghiệp dư” không có nghiệp vụ và không được ủy quyền của cơ quan có trách nhiệm. Theo luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), Luật Giao thông đường bộ đã quy định chặt chẽ, phạt nặng đối với hành vi vi phạm. Vì thế, khi người điều khiển phương tiện không tuân theo bảng chỉ dẫn, đèn tín hiệu, mà nghe theo người hướng dẫn không có nghiệp vụ và không được ủy quyền của cơ quan có trách nhiệm, dẫn đến hậu quả gây ra tai nạn giao thông, thì sẽ phải gánh tình tiết tăng nặng.
Việc người dân chung tay tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông là việc rất đáng hoan nghênh, trân trọng. Tuy nhiên, anh dân phòng, nhân viên bảo vệ, hay xe ôm chỉ nên hướng dẫn giao thông trong các đường nội bộ ở khu dân cư, chứ không nên ra đường làm thay công việc CSGT. Để tạo dựng nề nếp văn minh, hiện đại khi tham gia giao thông, nên phát huy chức năng vốn có của đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn, biển báo và thực hiện đúng vai trò, chức trách của lực lượng CSGT .
TRẦN YÊN/ SGGP
Bình luận (0)