Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cảnh sát giao thông với nạn kẹt xe: Mồ hôi giờ cao điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Vào những giờ cao điểm, nhiều khu vực trong địa bàn TP.HCM nhanh chóng biến thành những “trận đồ” kẹt xe. Tình trạng này xảy ra thường xuyên trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Để giải quyết tình trạng kẹt xe không phải là chuyện đơn giản, càng không phải là chuyện một sớm một chiều; vì thế công tác phòng chống kẹt xe của các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT), các đơn vị dân quân tình nguyện trên khắp các “mặt trận” đang hoạt động hết công suất với nhiều gian nan vất vả.

Nạn kẹt xe hoành hành

CSGT đang điều khiển phân luồng giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải hiện nay TP.HCM có khoảng trên 30 tụ điểm nóng về ùn tắc, kẹt xe. Một số tuyến đường lớn hay xảy ra kẹt xe là Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng… Thêm vào đó là tình trạng ùn tắc ở hầu hết các ngã tư, ngã năm trong khu vực nội thành. Nguyên nhân của tình trạng này theo đánh giá của các cơ quan chức năng là do lượng phương tiện giao thông tăng nhanh; các công trình xây dựng cấp thoát nước – sửa đường triển khai hàng loạt; xe buýt được quá ưu tiên; phân luồng các tuyến chưa hợp lí; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường… Theo Khu quản lí giao thông đô thị số 1 thì tốc độ di chuyển của các phương tiện giao thông tại một số khu vực trung tâm thành phố chỉ còn khoảng 20 km/giờ, qua các công trường xây dựng là 10 km/giờ, có nơi phải nhích từng bước một.

Đến ngã năm giao lộ giữa các đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn thuộc quận Gò Vấp. Chúng tôi được chứng kiến cảnh hàng nghìn phương tiện giao thông nối đuôi đổ về gây ùn tắc từ sáng sớm. “Bình thường khu vực này đã thường xuyên xảy ra kẹt xe, giờ làm thêm mấy “lô cốt” trên đường Nguyễn Kiệm, do lượng xe quá tải nên kẹt xe càng tăng và phức tạp hơn”, Trung úy Đinh Ngọc Nghĩa – Đội CSGT quận Gò Vấp, trực ở khu vực này cho biết. Vòng lên ngã năm Quang Trung đến đầu đường Nguyễn Kiệm, tình trạng kẹt xe càng tệ hơn”. Hai “lô cốt” chễm chệ ăn sâu vào lề đường, và nếu một chiếc xe tải hay xe buýt đi qua thì dòng xe máy phải dừng lại để nhường đường, vậy là ùn tắc.
Giờ cao điểm của tình trạng kẹt xe vào buổi sáng là từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều khoảng từ 16 giờ đến 19 giờ. “Lô cốt” mọc lên đã đành, nhiều người dân có ý thức kém khi tham gia giao thông, chen lấn, không ai nhường ai. Nhất là đối tượng học sinh, phóng nhanh vượt ẩu là chuyện thường gặp”, Đại úy Nguyễn Đắc Sơn, Đội CSCĐ-TT quận Phú Nhuận, trực ở ngã tư Trần Huy Liệu và Nguyễn Trọng Tuyển đánh giá. Theo anh thì những chiếc xe buýt lớn cũng là nguyên nhân gia tăng tình trạng kẹt xe.

Lo điểm nóng, chống giờ cao điểm

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, tốc độ phát triển trung bình xe cá nhân mỗi ngày ở TP khoảng 700 ô tô, xe gắn máy đăng ký mới. Hiện TP có khoảng 3.365 con đường với khoảng 3.223 km chiều dài. Trung bình 1.000 người dân chỉ có 0,36km đường, mật độ diện tích đường trên đầu người là 1,48 m2/người, tiêu chuẩn là 6-10 m2/người. TP.HCM là một trong những địa phương có mật độ xe hai bánh cao nhất thế giới, 400-450 xe/1.000 dân.

Nhiều biện pháp được đưa ra để giải quyết nạn kẹt xe nhưng vẫn chưa hiệu quả, vì vậy vai trò của các chiến sĩ CSGT, lực lượng CSCĐ-TT là rất lớn. Kẹt xe xảy ra nhiều, chưa giải quyết được điểm này thì lại xảy ra điểm mới, do đó việc dứt điểm từng khu vực là rất khó khăn. Theo Đại úy Lê Văn Đẹp – Đội CSGT quận Gò Vấp thì phải huy động hết lực lượng, túc trực 24/24 tại các điểm nóng, mỗi chiến sĩ CSGT đều được phân bổ, chốt giữ. “Vào giờ cao điểm như đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, toàn bộ anh em đều phải lên ca, nhiều người chốt giữ ở hai đầu của một con đường, nhiều lúc kẹt phải chạy luân phiên liên tục”.

Chúng tôi đến đường Nguyễn Văn Trỗi đoạn giao với đường Huỳnh Văn Bánh vào 17 giờ, 2 chiến sĩ CSGT cùng với 3 dân quân tình nguyện bị bao vây bởi dòng người từ bốn phía. Những cái bóng áo vàng, áo xanh dường như mất hút, lạc lõng trong biển người xe cộ, đâu đó chỉ còn vang lên những tiếng còi, những cái chỉ tay liên tục về các hướng. Khói bụi, còi hú, tiếng hô hoán inh ỏi, các chiến sĩ đôi lúc phải chỉ dẫn từng người, từng chiếc xe một. “Nhiều người còn chửi bới, la ó ngay cả với chúng tôi khi bị nhắc nhở, có người chỉ biết cười trừ cho xong chuyện”, Đại úy Nguyễn Đắc Sơn nói. Anh cho biết thêm chỉ cần một chút lơ là, không thấy dòng người đông từ hướng nào để điều khiển hợp lí là ùn tắc ngay.

Lực lượng thanh niên xung phong, sinh viên tình nguyện, những đội “phản ứng nhanh” chống kẹt xe của người dân, hay cả xe ôm… là đội ngũ lớn tham gia điều khiển giao thông. Họ không chỉ xuất hiện ở những điểm nóng, lúc ùn tắc mà còn túc trực thường xuyên ở các ngã ba, tư trong thành phố. Nhiều người tham gia giao thông không có ý thức đôi lúc khinh rẻ, không theo hướng dẫn của họ. Nhưng vì nhiệm vụ, đôi lúc là ý thức và mong muốn giảm thiểu tình trạng kẹt xe mà họ sẵn sàng đứng ra giữa đường điều khiển.

“Công việc tuy vất vả nhưng tất cả các anh em trong đội đều cố gắng hoàn thành, các tuyến đường đều được lưu thông bình thường là mong muốn lớn nhất của chúng tôi”, Trung úy Đinh Ngọc Nghĩa cho biết. Khi viết bài này, những người đang tham gia giao thông như chúng tôi cũng mong muốn tất cả mọi người đều ý thức được những hệ quả từ nạn kẹt xe, chấp hành Luật giao thông nghiêm chỉnh để trên từng thước đường, từng ngõ hẻm không còn cảnh ùn tắc, chen lấn và cũng không còn nỗi vất vả, những giọt mồ hôi của những chiến sĩ CSGT, các lực lượng dân quân như hiện nay.

Nguyễn Trọng Luật

Bình luận (0)