Trước băn khoăn về quy định mới cho phép cảnh sát giao thông (CSGT) mặc thường phục làm nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng, cảnh sát hóa trang mà để bị phát hiện là vi phạm kỷ luật.
– Bộ Công an vừa ban hành thông tư trong đó cho phép CSGT được hóa trang khi làm nhiệm vụ. Vậy trong những trường hợp nào thì hình thức hóa trang được áp dụng?
– Bộ Công an vừa ban hành thông tư trong đó cho phép CSGT được hóa trang khi làm nhiệm vụ. Vậy trong những trường hợp nào thì hình thức hóa trang được áp dụng?
– Việc bố trí một bộ cảnh sát trong tổ tuần tra, kiểm soát hóa trang (mặc thường phục) nhằm mục đích giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi tuyến, địa bàn được phân công.
Cảnh sát chỉ được hóa trang trong trường hợp khi cần bí mật sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ: camera, súng bắn tốc độ… để xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này phải có kế hoạch được trưởng phòng cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
Hiện nay, có một số người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông… cho nên nhiều khi sử dụng lực lượng công khai làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý không được chủ động. Thường người tham gia giao thông khi vi phạm phát hiện cảnh sát giao thông sẽ tìm cách trốn tránh.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: Xuân Tùng |
– Vậy lực lượng cảnh sát hóa trang có được phép xử phạt?
– Tại điểm B, khoản 5, mục 5 Thông tư quy định, khi phát hiện hành vi vi phạm cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thực hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Việc lập biên bản là do cảnh sát mặc trang phục thực hiện còn lực lượng hóa trang chỉ có nhiệm vụ phát hiện vi phạm và thông báo cho lực lượng công khai mặc trang phục cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra, xử lý.
– Nhưng từ khi phát hiện vi phạm đến khi thông báo được cho lực lượng công khai thì nhiều khả năng người vi phạm đã đi xa…
– Việc kết hợp giữa hai lực lượng này trong thông tư quy định phải có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ. Cũng có trường hợp khi phát hiện thông báo nhưng cảnh sát công khai không kịp ngăn chặn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, hiệu quả khi có lực lượng hóa trang phối hợp với cảnh sát công khai trong công tác giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tốt hơn rất nhiều.
– Tuy nhiên, có một thực trạng là người tham gia giao thông khi vi phạm nhìn thấy cảnh sát làm nhiệm vụ họ đã có ý thức tuân thủ. Vậy cảnh sát có cần thiết phải hóa trang?
– Theo tôi việc cảnh sát hóa trang thường phục để thực hiện nhiệm vụ giám sát rồi thông báo vi phạm cho lực lượng công khai xử lý thì tác dụng tuyên truyền ý thức người tham gia giao thông tốt hơn. Vì khi có lực lượng giám sát bí mật, người tham gia giao thông không biết mình bị kiểm tra bất kể lúc nào.
Nếu làm được điều này thì tất cả người đi đường khi bị phạt một lần theo cách: lực lượng hóa trang phát hiện còn người xử phạt sẽ là cảnh sát công khai thì sẽ có tác dụng nhắc nhở người tham gia giao thông. Việc này sẽ khiến người dân có ý thức chấp hành an toàn giao thông hơn.
Ở các nước họ cũng sử dụng lực lượng hóa trang, nhưng họ xã hội hóa bằng cách thuê các công ty sử dụng các thiết bị kỹ thuật cho nhân viên mặc thường phục để giám sát vi phạm tốc độ, sau đó thông báo cho cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm. Ảnh: Xuân Tùng |
– Báo chí đã nhiều lần phản ánh, không ít lần cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ thường lạm dụng chức quyền để trục lợi. Vậy với hình thức hóa trang này ông có e ngại tình trạng lạm dụng chức vụ sẽ gia tăng?
– Trong Thông tư quy định, khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch, phương án được phê duyệt. Nếu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xử lý trật tự an toàn giao thông thì trưởng phòng hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
Còn khi thực hiện kế hoạch phương án đấu tranh chống tội phạm, đua xe trái phép… phải được giám đốc công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt. Do đó, việc tổ chức lực lượng này có phương án bố trí rất chặt chẽ.
Hơn nữa, lực lượng hóa trang không được phép dừng phương tiện, kiểm tra giấy tờ, lập biên bản vi phạm, chỉ có nhiệm vụ phát hiện thông báo cho lực lượng công khai ngăn chặn, xử lý nên không thể lợi dụng.
– Hiện nay, có không ít trường hợp khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu kiểm tra liền chống đối. Vậy ông nghĩ thế nào trước lo ngại, khi cảnh sát hóa trang làm nhiệm vụ sẽ dẫn đến việc số người chống đối lực lượng cảnh sát gia tăng?
– Mục đích của mặc thường phục hóa trang là để người đi đường không biết đó là người đang làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nếu để người tham gia giao thông phát hiện là cảnh sát đang hóa trang thì còn gì là hóa trang.
Cán bộ, chiến sĩ hóa trang mà bị phát hiện tức là vi phạm kỷ luật và không hoàn thành nhiệm vụ.
Xuân Tùng (VnExpress)
Bình luận (0)