Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Công an bí mật cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ từ TP.HCM lên tỉnh Lâm Đồng, cải trang phá nhóm lâm tặc đốn hạ hàng ngàn mét khối gỗ rừng phòng hộ.

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Gỗ lậu được cất giấu quanh lán trại – Ảnh: SƠN BÌNH

Đây là băng nhóm khai thác gỗ lậu chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức hai năm qua, khai thác hàng ngàn mét khối gỗ lậu rừng phòng hộ một cách công khai nhưng cơ quan chức năng địa phương “không thấy”. 

Bộ Công an phải bí mật cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ từ TP.HCM lên tỉnh Lâm Đồng phá án.

Rạng sáng 8-7, Phòng phòng chống tội phạm về môi trường trên lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn và đa dạng sinh học (Phòng 3) Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an phối hợp cùng tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20) Bộ Công an đã phá nhóm lâm tặc hoạt động táo tợn tại tỉnh Lâm Đồng.

Tổ công tác mật phục, bắt quả tang hơn 15 đối tượng vận chuyển số lượng lớn gỗ lậu dưới lòng hồ Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 (thuộc thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Đây là khu vực hoạt động chính của nhóm lâm tặc, nơi giáp ranh tỉnh Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai).

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Công an lấy lời khai nhóm lâm tặc bị bắt quả tang – Ảnh: SƠN BÌNH

Gian nan hành trình phá án

Lãnh đạo Phòng 3 – Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an cho biết qua nhiều tháng trinh sát, C49B quyết định lập kế hoạch đấu tranh triệt phá nhóm tội phạm này.

Do địa hình xung quanh Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 hiểm trở, sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn nên những cán bộ, chiến sĩ của Phòng 3 đã giả dạng người câu cá, người đi thăm dò mua đất đai, công nhân thủy điện. Nhiều ngày trước khi phá án, cán bộ, chiến sĩ phải bò lết trong những cánh rừng để tiếp cận mục tiêu.

Nhóm lâm tặc hoạt động thời gian dài nên tỏ ra chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm đối phó cơ quan chức năng. Nhóm này luôn cử nhiều người canh gác các ngả đường hướng từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Đắk Nông vào khu vực hoạt động.

Khi thấy người lạ, các đối tượng chặt dây thả gỗ xuống lòng hồ bỏ chạy hoặc gọi điện thông tin cho các nhóm “thợ rừng” đang đốn hạ gỗ phía trên di tản. Thậm chí còn hành hung, cản trở những người đi đến khu vực mà lâm tặc đang hoạt động.

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Công an lấy lời khai nhóm lâm tặc bị bắt quả tang – Ảnh: SƠN BÌNH

Một trinh sát cho biết, 30 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, cảnh sát môi trường phải hóa trang, ém quân trong một chiếc xe tải chở hàng loại 8 tấn, đi từ TP.HCM lên nơi hoạt động của nhóm tội phạm để không bị lộ.

Do các đối tượng canh cửa “máu me” với bóng đá Euro nên tổ công tác lên phương án “ra tay” khi trận đấu bán kết giữa đội tuyển Pháp – Đức đang diễn ra.  

Khi đó, tổ công tác bất ngờ đạp cửa xe, chạy xuống lòng hồ vô hiệu hóa lâm tặc, đồng thời một mũi khác tiến hành bắt quả tang các đối tượng đang trực tiếp lai dắt gỗ lậu từ thuyền lên xe tải, định tẩu tán.

Lúc áp sát các đối tượng, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nổ súng bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, các đối tượng la hét không chấp hành hiệu lệnh, thách thức “có ngon thì bắn tao đi”.

Khi bị bao vây, nhóm lâm tặc bơi ra giữa lòng hồ bỏ chạy. Để an toàn, tránh nguy hiểm đến tính mạng của các đối tượng liều lĩnh này, tổ công tác không quyết liệt truy đuổi mà “đón lõng” bắt giữ khi lâm tặc lên bờ.

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Nơi lâm tặc tập kết gỗ dưới lòng hồ thủy điện đưa lên xe tải tẩu tán – Ảnh: SƠN BÌNH

Sai phạm có tổ chức gần hai năm

Tại hiện trường dưới lòng hồ thủy điện, nhiều đối tượng bỏ chạy, bỏ lại xe tải và một chiếc xuồng kéo gỗ. Tổng cộng, nhóm lâm tặc đã vác lên xe tải được 12 cây gỗ và nhiều cây gỗ khác còn chìm dưới lòng hồ chưa được trục vớt. Xung quanh lòng hồ, những khúc gỗ lậu bi cắt xẻ nằm rải rác khắp nơi.

Khai thác ban đầu, các đối tượng khai nhận gần như thực hiện trót lọt mỗi ngày với hàng ngàn mét khối gỗ lậu trong khoảng hai năm qua.

Nhóm lâm tặc cho biết các “thợ rừng” đốn hạ các loại gỗ của rừng phòng hộ ven sông Đồng Nai. Sau đó, một nhóm chia nhau cắt xẻ gỗ chỉn chu, thả trôi sông. Một nhóm khác tập trung tại lòng hồ thủy điện, tập kết gỗ lậu đang trôi, dùng một chiếc thuyền cột gỗ lậu đưa ra đất liền.

Tại bờ hồ, luôn có sẵn xe tải để khuân gỗ lậu mang đi tẩu tán hoặc tiêu thụ. Nhóm này cũng khai nhận, hàng ngày tẩu tán khoảng 20-30m3 gỗ lậu các loại. 

Sau khi bắt quả tang, tổ công tác yêu cầu các đối tượng đưa đến những hiện trường khai thác rừng phòng hộ. Theo chân lâm tặc, những cánh rừng hoang tàn dần hiện ra, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi được băm xé, nằm lăn lóc khắp nơi. Có những cây còn ứa nhựa do mới bị đốn hạ.

Theo tổ công tác, khu vực phòng hộ quanh đây bị khai thác khoảng hai năm qua nhưng có nhiều trạm kiểm lâm gần đó. Địa bàn của các đối tượng hoạt động cũng tiếp giáp với nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai) nhưng cơ quan chức năng liên quan nơi đây cũng “không biết”.

Theo nhận định của tổ công tác, hàng ngàn mét khối gỗ các loại bị khai thác trong gần hai năm qua. 

Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Lực lượng cơ động bí mật từ TP.HCM lên Lâm Đồng bắt lâm tặc – Ảnh: SƠN BÌNH
Cảnh sát từ TP.HCM lên Lâm Đồng cải trang phá nhóm lâm tặc
Hoang tàn rừng phòng hộ – Ảnh: SƠN BÌNH

Ai cầm đầu đường dây?

Nhiều lâm tặc cho biết do cuộc sống khó khăn nên làm công cho nhiều đối tượng khác đứng “phía sau”. Trong đó nổi cộm là nhân vật Hà “đen”, được mọi người xem là “trùm giang hồ” khu vực.

Khi hỏi về băng nhóm Hà “đen”, nhiều người dân nghe qua sợ ra mặt, chỉ nói “băng nhóm đông lắm, gần 200 người”.

Hiện tổ công tác đang phối hợp công an địa phương mở rộng điều tra, làm rõ ai là người cầm đầu nhóm lâm tặc, nguồn gỗ lậu đã được tiêu thụ nơi đâu và có thế lực nào “tiếp tay” cho những người tàn phá rừng/ 

 

SƠN BÌNH – VĂN BÌNH/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)