Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cánh thư tìm lại cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Giọt nước mắt hối cải và lời hứa với cha quyết làm lại cuộc đời của phạm nhân Nguyễn Trung Thành
Trên chuyến xe từ Sài Gòn hướng về trại giam Tống Lê Chân (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), ngoài 5 nhà báo đi theo xe, 3 đồng chí công an thì còn có 3 con người mà tôi không sao quên được: Vợ chồng ông bà già, một người phụ nữ trẻ. Họ đều là những người nhận được thư từ phạm nhân ở trại giam trong cuộc phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” lần đầu tiên được Tổng cục 8 (Cục Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp) tổ chức. Và với tôi, họ còn là những số phận khắc khoải giữa cuộc đời…
1. Từ Sài Gòn, xe khởi hành rất sớm. 5 giờ sáng đã lăn bánh. Theo lịch ghi trên giấy hẹn, những người theo xe sẽ tập trung tại cổng Bộ Công an. Khi tôi điện thoại cho đồng chí trực thì được biết điểm hẹn đã thay đổi, ở nhà khách Phương Nam, cách Bộ Công an chừng 50m.
Trước lúc biết tin đó, tôi vẫn đậu xe tại cổng bộ. Đêm dày đặc và sương phủ mờ. Ở bên vệ đường, có hai ông bà già đang ngồi. Cụ bà ôm khư khư trong lòng chiếc túi xách. Dưới ánh đèn đường mờ mờ, cái vẻ khắc khổ, cam chịu ở hai con người đó cứ bám riết lấy tôi. Có lẽ hai ông bà đã ngồi lâu lắm, cứ hết đứng lên lại ngồi xuống. Lát sau biết tin điểm hẹn dời đi, tôi định đi trước nhưng lại chạy đến hỏi ông bà: “Hai bác đi xuống trại giam phải không”? – “Vâng, thưa cô” – “Vậy thì hai bác đến nhà khách Phương Nam, ngay phía dưới này ạ”.
Phải đến tận lúc xuống trại giam, tôi mới biết đó là cha mẹ của phạm nhân Nguyễn Trung Thành, mang tội danh buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, với mức hình phạt 7 năm tù giam và đã thụ lý được 3 năm. Cụ ông tên Nguyễn Trí Dũng (75 tuổi) còn cụ bà là Nguyễn Thị Sang (70 tuổi), ngụ ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM. Lúc Thành đọc bức thư viết cho ba mẹ trên khán đài, ngồi hàng ghế dưới, hai ông bà nước mắt nhạt nhòa. Những dòng lệ như dòng sương ấy, có lẽ cả quãng đời còn lại của đời người hai ông bà chỉ để chắt ra cho cậu con trai, mà cụ ông đã phải thổn thức nói trong nước mắt, trong nghẹn ngào rằng “Bản thân là một người lính, vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ bẫng, chưa làm điều gì sai trái với lương tâm, thì lại chẳng thể dạy nổi con, để phải mang tội với xã hội”. Và ông nói rằng, ông xin lỗi xã hội.
Thành viết cho ba mẹ rằng: “Chỉ riêng mình con sai, chỉ riêng mình con lầm đường, chỉ riêng mình con phụ lòng ba mẹ. Còn ba mẹ, ba mẹ đã cả đời hy sinh cho con, ba mẹ không có lỗi gì cả. Lần cuối cùng ba vào thăm con trong trại, con thấy tóc ba bạc đi nhiều lắm, ba già sọm hẳn đi, các nếp nhăn cứ xô nhau trên khuôn mặt ba. Con thấy lòng mình nghẹn lại. Con đã sai nhiều nhiều lắm. Con ngàn lần xin ba mẹ thứ tha…”.
Tình phụ tử ấy, có lẽ ngàn đời này vẫn như một. Chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nỗi đau của người cha khi tuổi thanh niên đã bỏ lại cho đất nước còn tuổi già lại gặt lấy những đắng cay, nỗi đau của người con nhận ra mình đã chẳng thể làm gì cho ba mẹ ngoài việc đắp thêm cho tuổi già sự đơn độc triền miên, những ám ảnh, gánh nặng và sự hổ thẹn. Thế nhưng, họ vẫn là cha, là con. Cái siết tay của người cha đối với người con trên khán đài ấy, đã chẳng cần một lời nào hết, đủ để người con hiểu rằng, dù có thế nào đi nữa, dù con có lầm đường thế nào đi chăng nữa thì trên quãng đường con trở về với thiện lương, ba luôn bên con, như ngày xưa cha dắt con đi vậy vì con vẫn là con của ba… Cái gục đầu nức nở của người con vào lòng người cha ấy, có phải chăng là cái gục đầu hối lỗi, xót xa, cái gục đầu nhỏ bé được tựa vào lòng cha, được an ủi mà bước tiếp…
Cụ bà kể với tôi rằng, lúc ông bà nhận được thư của con thì mừng lắm, đã cả năm nay rồi, ông bà chưa đi thăm con được. Vì đường sá xa xôi, tuổi già và cũng tốn kém quá. Ba năm trước, ngày con trai ông bà vào tù thì cũng là lúc con dâu vào tội. Hai vợ chồng cùng phạm tội tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy. Mỗi người thụ án ở một nơi. Bỏ lại hai đứa con dại, cô con gái nay đã lớp 7 và cậu con trai lớp 4. Đằng đẵng 3 năm qua, ông bà chăm bẵm hai đứa cháu nội, rồi sức già chạy hết trại giam này đến trại giam kia chăm con trai, con dâu. Tất cả chỉ trông vào tiền lương hưu vài triệu đồng của ông. Hai đứa cháu lúc nào cũng mong ba về để đưa đi học bởi suốt bao năm qua, ông cứ lẽo đẽo chống gậy đưa cháu đến trường, qua hết ngã tư này đến ngã ba kia.
Tối hôm trước khi đi, ông bà không ngủ được. Rồi lại lôi bức thư con viết ra đọc, trằn trọc cả đêm vì thương con, chẳng biết con ốm đi hay mập lên, có khỏe không. Hình như lần trước dép con rách quai rồi thì phải. Cháu nội cứ bám lấy ông bà: “Mai nội cho tụi con đi thăm ba”. Biết là không được, đành viết thư cho ba, rồi nhét vào phong bao 2 tờ bạc 10 ngàn đồng. “Nội kêu ba là tụi con nhớ ba lắm, con đưa ba tiền bỏ ống để ba mua bánh ăn. Ba khỏe rồi nhanh về với tụi con, đưa chị em con đi học, ông yếu lắm rồi ba ơi…”.
Bà đưa tôi lá thư của cháu. Những nét chữ trẻ thơ nhòa đi vì nước mắt. Ở đó, gói ghém trong tờ giấy học trò, tôi biết, là cả trời thương nhớ mà hai con thơ gửi gắm đến người ba tù tội. Là ánh mắt tròn xoe long lanh nước dõi theo ba, là tiếng gọi ba cất lên như nghẹn lại, là cái vòng ôm gầy guộc từ những đôi bàn tay bé xíu, là những cặm cụi nắn nót… Với các con, anh không phải là người ba đang khoác trên mình chiếc áo tù mà anh chỉ là người ba đi xa. Đi xa rồi sẽ về.
Đôi dép tổ ong màu trắng được bà gói ghém cẩn thận cùng với gói bánh quy trong chiếc túi xách màu đen. Bà lần giở ra một lần nữa, gói cùng bức thư của các cháu. Rồi lại đóng lại. Cứ mải miết như yêu thương…
2. Người phụ nữ trẻ ngồi cạnh tôi trên chuyến xe. Chị đẹp như tên loài chim chị mang: Hoàng Yến. Chị 44 tuổi, ở P.14, Q.10. Cậu con trai duy nhất của chị là Hoàng Duy, phạm tội cướp giật tài sản năm 19 tuổi, mức án là 2 năm rưỡi tù giam, đã thụ lý được 1 năm rưỡi.
Chị kể rằng, con trai chị hiền lắm, hiền như bột ấy. Ai nói gì nó cũng mặc, chỉ cười cười. Chị thì ly dị chồng lâu lắm rồi một mình xoay xở nuôi con bằng đủ thứ nghề. Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng đến tận khuya chị phụ việc ở một quán ăn. Ngày nghỉ chị lại nhận thêm việc dán mắt thú bông, làm ốc xe để phụ thêm tiền nuôi con. Chị thương con thiếu tình cảm người cha, không bắt con làm gì hết, chẳng để con thiếu thốn gì hết. Vậy mà, đùng một cái. Vào một buổi tối đang tất bật ở quán cơm, chị nhận được điện thoại công an nói con chị đang ở phường vì tội giật điện thoại ở một quán cà phê. Chị chết lặng với đứa con mình đã hy sinh cả thanh xuân để nuôi nấng…
Nhận được thư con viết rằng: “Con thương má lắm, má khổ vì con nhiều. Cho đến tận bây giờ, con vẫn không hiểu tại sao con lại nông nổi đến thế để cuộc đời trôi dạt đến thế này…”. Chị khóc nấc lên trước những lời thành thật của con. Thi thoảng, trong những mệt nhọc của đời sống mưu sinh, chị vẫn trách con sao không thương mà còn đọa đày chị đến thế này. Nhưng trên hết, chị trách mình bất tài vô dụng để con phải lâm vào cảnh tù tội. Nhận thư con, chị đọc không biết bao nhiêu lần, thấy nét chữ con cứng cáp, thấy con suy nghĩ trưởng thành chị cũng thầm an ủi rằng con đã biết nghĩ, rồi con trai chị sẽ làm lại từ đầu.
“Đêm hôm qua chị không ngủ được, nằm cứ thấp thỏm, chỉ sợ mình vô tình chợp mắt mà ngủ quên thì không được đi thăm con nữa. Sáng chị bắt xe ôm đi từ 4 giờ…”.
Ngồi trên xe, người mẹ trẻ ấy nói nhiều điều về tương lai lắm. Rằng một năm nữa con chị ra tù, chị sẽ cho con học lấy một cái nghề, như sửa Honda chẳng hạn. Rồi chị sẽ vay mượn mở một cái tiệm sửa xe be bé gần nhà để con làm. Rồi con chị sẽ lấy vợ, chị sẽ có cháu. Chị sẽ không đi làm thuê nữa mà sẽ ở nhà chăm cháu, chăm con. Nói thế rồi chị cười ngân ngấn nước mắt: “Mà biết có được không?”. Niềm vui như tắt lịm quanh đôi mắt có những vết chân chim rất rõ…
Rồi chị lại lấy thư ra đọc. Chốc chốc lại lấy tay chấm nước mắt. Quãng đường hơn trăm cây số về nơi con chị đang thụ án, sao như dài ra thênh thang thế…
Đến nơi, chị chỉ cho tôi con trai chị. Cậu bé trắng trẻo và đẹp trai đưa tay vẫy vẫy mẹ và cười. Nét thơ ngây còn vương trên ánh mắt, nụ cười. Có lẽ, cái phút nổi nông ngày xưa đó, chỉ là một giây bồng bột của tuổi 20. Thế nhưng con trai chị đã không vượt qua được cái lằn ranh mong manh giữa sự tham lam, buông thả và đàng hoàng, chín chắn để tự buộc chân mình vào lưới lao lý. Phút nông nổi nào mà chẳng phải trả giá, dù ít dù nhiều. Dù cay đắng nhưng có trả giá mới trưởng thành và trân trọng. Như chị đã xa xót nói rằng: “Thôi thì nhờ pháp luật dạy con nên người…”.
Trước khi ra về, chị còn với theo dặn rằng, nhớ mặc áo lạnh vào nha con… Mấy bữa nữa mẹ lại lên…
Bài, ảnh: Yến Hoa
14.299 bức thư đã được gửi đi trong cuộc phát động này. Có lẽ, bức thư nào cũng có số phận. Bức thư nào cũng có nước mắt. Tuổi trẻ, tuổi già đánh đổi và trả giá quá đắt.
Lời xin lỗi được trao đi và rất nhiều những cái siết tay, giọt nước mắt được nhận lại. Cả xã hội sẵn sàng thứ tha cho tội lỗi quá khứ, chỉ mong lầm lỗi sớm sửa để trở về trú ngụ dưới mỗi mái gia đình. Để đời lại xanh…
 
 

Bình luận (0)