Sau Tết Nguyên đán là thời điểm các trường THPT gấp rút vào điểm học bạ kết quả học kỳ I cho học sinh khối 12 để các em chuẩn bị hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đặc biệt là đăng ký xét tuyển vào đại học bằng phương thức xét điểm học bạ.
Theo ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), trong mùa tuyển sinh năm nay, học sinh cần cân nhắc khi sử dụng phương thức xét điểm học bạ
Học sinh ngày càng “chuộng” phương thức xét điểm học bạ
Cô Nguyễn Thị Thu Thảo (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) cho biết lớp cô chủ nhiệm có 33 học sinh thì 100% các em sử dụng kết quả điểm học bạ trong 3 học kỳ để xét tuyển vào các trường đại học. So với mọi năm, con số này có vẻ nhỉnh hơn. “Phương thức xét tuyển đại học bằng điểm học bạ đang ngày càng được học sinh sử dụng nhiều như một phương thức xét tuyển truyền thống bên cạnh việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực. Đặc biệt là trong năm học này dịch bệnh kéo dài khiến việc học trực tiếp phải gián đoạn, học sinh phải học trực tuyến trong suốt thời giai dài”, cô Thảo chia sẻ.
Đánh giá về kết quả học tập của học sinh trong học kỳ I, cô Thảo cho hay, tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi khá cao, thậm chí là cao hơn so với năm học trước. Điều này do việc học trực tuyến nên cách thức đánh giá, kiểm tra đã được nhà trường, giáo viên điều chỉnh phù hợp theo hình thức dạy và học trực tuyến, theo đúng năng lực tiếp thu của học sinh khi học tập trên môi trường này. “Kiến thức trong các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ được giảm tải, mức độ bài kiểm tra không đánh đố, không làm khó học sinh. Chỉ cần các em nắm kiến thức cơ bản là đã có thể đạt được điểm cao”, cô Thảo phân tích.
Theo ghi nhận, tỷ lệ học sinh khối 12 sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển vào các trường đại học tại nhiều trường THPT ở TP.HCM đang chiếm ưu thế. Ở nhiều trường, con số này lên đến 100%. Đơn cử, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), thống kê sơ bộ, tỷ lệ học sinh khối 12 đăng ký xét tuyển phương thức này gần như 100%. Thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) nhìn nhận, khi các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức xét tuyển, các phương thức lại có giá trị ngang nhau thì học sinh có nhiều cơ hội hơn để vào đại học. Vì thế, học sinh ngày càng có xu hướng tận dụng mọi phương thức có thể để đăng ký xét tuyển. “Vài năm trở lại đây khi phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT đang bị cạnh tranh, đôi khi điểm cao cũng chưa chắc đã trúng tuyển đại học thì học sinh sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Nhất là hai năm nay dịch bệnh phức tạp cũng đã làm ảnh hưởng đến quá trình học của học sinh nên phương thức xét điểm học bạ lại càng được các em ưa chuộng”, thầy Khương đánh giá.
Không “rải bừa” hồ sơ
Mặc dù đang là phương thức xét tuyển được nhiều học sinh khối 12 lựa chọn để bước vào trường đại học, song nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng phương thức xét tuyển điểm học bạ trong năm học này cần phải tính toán và cẩn trọng, không “rải bừa” hồ sơ để gia tăng khả năng trúng tuyển. ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) nhận định, trong bối cảnh học trực tuyến suốt học kỳ I, việc đánh giá học sinh trong học kỳ đã được giảm tải theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Các nhà trường khi đánh giá cũng không tạo áp lực cho học sinh, vì thế đề kiểm tra so với các năm học trước chắc chắn nhẹ nhàng hơn, mặt bằng chung điểm cũng sẽ cao hơn. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ điểm giỏi tăng lên. Như vậy, tính cạnh tranh bằng phương thức xét điểm học bạ phải cao hơn các năm trước.
Nói cách khác, ThS. Nam chỉ rõ, chưa chắc học sinh có mức điểm học bạ giỏi trong năm học này đã có thể trúng tuyển vào một trường đại học nào đó bằng phương thức này, cũng giống như việc học sinh đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn có thể rớt đại học qua phương thức xét điểm thi. “Khi sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ năm nay, học sinh phải hết sức cân nhắc, lựa chọn các trường đại học vừa sức, hợp với khả năng để tăng tính cạnh tranh cao”, ThS. Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nhà trường cần tăng cường hoạt động định hướng để giúp học sinh đánh giá đúng khả năng học tập của mình
Dự báo tính cạnh tranh bằng phương thức xét điểm học bạ trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ cao, cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp) cho biết, nhà trường sẽ tăng cường hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 để giúp các em chọn được ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích bản thân. Theo cô Thắm, thiệt thòi của học sinh khối 12 năm nay là các em bị hạn chế tiếp cận với các chương trình tư vấn hướng nghiệp thường niên của trường. Hoạt động hướng nghiệp trong thời gian học trực tuyến cũng có nhưng chưa thực sự hiệu quả. “Để giúp học sinh không ảo tưởng về năng lực bản thân từ kết quả học trực tuyến, đánh giá được đúng khả năng của mình thì từ phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ tăng cường hoạt động định hướng. Dù vậy, phụ huynh cũng cần phải đồng hành, các em học sinh phải tính toán thật kỹ, không nên vì quá lo ngại, e dè về dịch bệnh mà “rải” hồ sơ xét tuyển học bạ, sẽ vừa lãng phí vừa khó trúng tuyển đúng ngành học mình yêu thích”, cô Thắm bày tỏ.
Trong chuyên đề “Cùng con chọn trường thi” mới đây, ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) đưa ra lời khuyên cho phụ huynh khi cùng con chọn trường đại học trong năm học này, đó là phụ huynh nên đồng hành cùng con thay vì áp đặt, là người chắp cánh ước mơ cho con chứ không phải là người bắt con thực hiện ước mơ của mình. “Quan niệm con cứ phải vào trường bách khoa hay trường ngoại thương đã là rất xưa rồi, phụ huynh hãy để con chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực học tập của con. Con thích làm kỹ sư nhưng nếu nhắm vào trường bách khoa không được thì hãy để con lựa chọn vào trường khác phù hợp hơn với sức học của con. Phụ huynh không nên nhìn vào kết quả điểm số của con trên lớp mà đặt kỳ vọng quá nhiều, vô tình càng tạo thêm áp lực cho con. Theo đó, phụ huynh hãy đồng hành cùng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giúp con chọn được ngành học phù hợp, tận dụng các phương thức xét tuyển phù hợp”, ông Phú chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)