Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Cạnh tranh di động: Thời khắc nghiệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thị trường viễn thông Việt Nam đã bão hoà. Ảnh. A.X

Thị trường Việt Nam đã có tới 9 DN được cung cấp dịch vụ viễn thông. Thế nhưng, cùng với việc 2 DN chưa thể cung cấp dịch vụ thì có đến 3 DN khác vật lộn với khó khăn, 1 DN thì gần như bị coi là “biến mất” khỏi thị trường.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm khắc nghiệt và bắt đầu với xu thế mua bán, sáp nhập, thậm chí là rút khỏi thị trường.

3 chọi 6

Một chuyên gia viễn thông cho biết: Cả năm nay, tôi hầu như không nhận được cuộc gọi nào xuất phát từ đầu số 096 của EVN Telecom. Còn cuộc gọi có đầu số từ 0199 của Beeline, 092 của Vietnamobile và 095 của S-Fone thì cực hiếm. Đây là những đầu số đẹp, song cũng không thể cạnh tranh nổi với đầu số 11 chữ số của VinaPhone, Viettel hay MobiFone. Chuyên gia này nhận định: Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh của các mạng di động đó rất yếu.

Trong thực tế, trong khi Beeline và Vietnamobile tạm có thể ít nhiều bắt đầu tạo dựng tên tuổi trên thị trường thì EVN Telecom gần như đã bị coi là biến mất khỏi thị trường. Còn, S-Fone là mạng CDMA duy nhất lại gặp khó khăn khi đối tác Hàn Quốc không còn mặn mà.

Đặc biệt hơn, mặc dù đã có trong tay giấy phép, nhưng cho đến hiện nay, cả FPT Telecom và VTC vẫn chưa thể ra đời để cung cấp dịch vụ – cho dù những DN này tỏ ra rất quyết tâm. Cũng cần lưu ý rằng các DN này có không ít lợi thế là được cung cấp dịch vụ trên hạ tầng sẵn có của các DN viễn thông khác. Các chuyên gia nhận định rằng chỉ cần nhìn vào con số hơn 130 triệu thuê bao di động trên tổng số hơn 80 triệu dân Việt Nam, trong đó hơn 90% thị phần thuộc về Viettel, MobiFone và VinaPhone cũng đủ thấy khó có cửa nào để cho DN nhỏ và DN mới cạnh tranh trên thị trường. Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng thị trường đã được 3 DN đại gia trên thiết lập “thế chân vạc” cực kỳ vững chắc. 3 DN này đã “chọi” 6 DN còn lại một cách cực kỳ thành công cả về chất lượng, sự đa dạng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Bắt đầu xu hướng mới?

Mới đây, một thông tin được các chuyên gia lĩnh vực viễn thông di động đặc biệt quan tâm là FPT và Cty viễn thông FPT (FPT Telecom) sẽ mua hơn 50% cổ phần EVN Telecom. Trước đó, EVN Telecom cũng chính là đối tác cho phép VTC Telecom sử dụng chung hạ tầng để cung cấp dịch vụ 3G. Các chuyên gia nhận định, dù chưa thực sự rõ ràng nhưng đây là những dấu hiệu đầu tiên của xu hướng mới là hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các mạng di động tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng sẽ không còn lâu nữa, xu hướng mới tất yếu sẽ diễn ra khi mà các DN không thể tự sống và “nhận miếng bánh thị phần quá nhỏ”. Trên thực tế, đã có thông tin rằng EVN Telecom tiếp tục tìm đối tác hợp tác; trong khi S-Fone cũng gấp rút mời gọi nhà đầu tư chiến lược cho sau khi SK Telecom tuyên bố rút vốn. Tuy nhiên, đây cũng là việc không dễ, bởi lẽ với việc 3 DN lớn tạo “thế chân vạc” vững chắc, thị trường đã bão hoà, trong khi Việt Nam lại có quá nhiều DN viễn thông cạnh tranh trong mảnh đất đã chật chội với hơn 130 triệu thuê bao.

Cũng cần lưu ý rằng thị trường đã có sự thay đổi đáng kể trong cạnh tranh, khi mà vấn đề giá cước đã không còn là vũ khí mạnh nhất. Chính vì thế trong thời gian gần đây, các mạng di động nhỏ đã dừng việc chạy đua giảm cước. Đại diện các DN này cho rằng việc giảm cước không giúp các DN này giữ được thuê bao và cạnh tranh một cách bền vững. Vì thế, các DN này sẽ dừng chạy đua giảm cước và sẽ buộc phải tìm hướng đi mới cho dù… chưa biết hướng đi sẽ như thế nào. Mặc dù vậy, những DN này và số đông chuyên gia cho rằng nếu không thể cạnh tranh và tự sống, việc mua bán và sáp nhập là cần thiết để tránh những đổ vỡ trên thị trường và gây ra những hệ luỵ.

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)