Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cao điểm dịch đau mắt đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS Bệnh viện Mắt Trung ương đang khám cho trẻ bị đau mắt đỏ. Ảnh: Ngọc Thành
Miền Bắc đang bước vào mùa dịch đau mắt đỏ. Dịch cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến trường học và học sinh.
Bảo vệ chặn từ cửa
Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Dịch cũng đã tràn vào các trường học trên địa bàn TP. Một phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng cho biết hôm trước chị đưa con đến trường, thấy có một cháu bị đau mắt, bảo vệ nhà trường đã yêu cầu vị phụ huynh đó đưa con về để tránh lây sang các bạn trong lớp và trong trường. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng làm được điều này. Chị  Mai, có con đang học tại Trường Mầm non Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm cho biết con chị về khoe ở lớp có hai bạn bị đau mắt nhưng vẫn đi học bình thường. Tình trạng này xảy ra ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ phụ huynh nơm nớp lo con bị lây mà cả giáo viên ở các trường cũng phải “căng mình” ra để chống chọi với bệnh dịch. Một thầy giáo dạy tiểu học tại quận Hoàn Kiếm cho biết ở trường có một số học sinh bị đau mắt đỏ. Không thể cấm các con đến lớp, các thầy cô giáo chỉ còn biết tìm cách phòng thân cho mình như tối đến về nhà chịu khó tra nước muối sinh lý, cố gắng cách ly không dùng chung bồn rửa mặt với gia đình. Trong khi đó, rất nhiều lớp học trên địa bàn Hà Nội có học sinh bị đau mắt đỏ. Lớp ít thì cũng phải 5-6 em bị đau mắt, cá biệt có lớp lên tới gần một nửa học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học. Kèm theo các học sinh này, bố, mẹ hoặc có gia đình cả nhà phải nghỉ làm để ở nhà trị cho dứt bệnh đau mắt đỏ.
Hiện nay, rất nhiều gia đình trên địa bàn Hà Nội cả nhà bị đau mắt đỏ. Anh Nguyễn Công Hạnh, nhà ở Thanh Trì cho biết cậu con trai lớn bị đau mắt đỏ, sau đó lây sang cả nhà. Không những thế, nhà em gái anh Hạnh ở gần đó cũng bị lây, hai đứa cháu anh mắt cũng sưng húp, phải nghỉ học đến cả tuần. Nhiều gia đình khác thấy có người bị đau mắt đỏ là lập tức tìm cách cách ly những người không bị bệnh.
Gia đình anh Tuấn (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội), từ tuần trước, cô con gái học lớp 2 bị đau mắt đỏ từ các bạn thế là giờ cả nhà đang phải sống trong tình trạng “di tản”. Em bé thứ hai và mẹ chưa bị lây thì sang nhà bà ngoại ở tạm 4 ngày qua, ở nhà còn bà nội phục vụ cơm nước cho 3 người  bị nhiễm: Ông nội, anh Tuấn và con gái anh Tuấn. Cả ngày ở nhà, mọi người cố gắng không giáp mặt bà nội để còn có người cơm nước, chợ búa. Tới bữa ăn, bà đem cơm xuống tầng 2 ngồi ăn một mình, những người bị đau mắt thì ăn riêng với nhau. Nhà chị Hồng ở Thái Thịnh, Đống Đa cũng có đứa con lớn bị lây đau mắt từ bạn ở trường. Nội ngoại đều ở xa, cháu thứ hai vừa mới hết cữ nên chị tự tìm cách cách ly tại gia. Cứ thấy cậu con trai lớn mon men đến gần em là chị lại nhắc nhở. Chính những nhân viên đang làm việc tại các bệnh viện cũng dễ bị lây nhiễm dịch đau mắt đỏ. Anh Lê Đình Long – bảo vệ tại Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Hầu như bệnh nhân đến khám thời điểm này đều bị đau mắt đỏ, số lượng mỗi ngày rất đông, BS phải làm việc liên tục. Bệnh nhân đông nên nguy cơ lây nhiễm cao, vì thế một số BS y tá ở đây đã bị lây bệnh đau mắt đỏ”. Theo BS. Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương hiện nay mỗi ngày tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân vào khám mắt, có ngày cao điểm lên 1.200 bệnh nhân, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị đau mắt đỏ. BS. Cương cũng cho biết, so với mọi năm, năm nay dịch đau mắt đỏ bùng phát muộn hơn. Bình thường vào tháng 6, 7 dương lịch là dịch xuất hiện nhưng năm nay, tới mùa tựu trường tháng 9 mới bùng phát nên lây lan trong học sinh nhiều.
Cần cách ly với người bệnh
Nguyên nhân của dịch đau mắt đỏ, theo BS. Cương, chủ yếu là do thời tiết. Cứ sau vài cơn bão, nước sông dâng lên, khí hậu nóng ẩm, độ ẩm quá cao, không khí đậm đặc dẫn tới lưu cữu mầm bệnh và bùng phát. Phía Nam thì dịch bùng phát khi lũ tràn về. Khi bị đau mắt đỏ, người dân có thể tự dùng kháng sinh, nước muối để nhỏ vào mắt. Tới thời điểm này, Bệnh viện Mắt Trung ương đang quá tải. Bệnh viện đã phải mở tối đa 24 phòng khám, vào thứ bảy, chủ nhật cũng tiếp nhận bệnh nhân tới khám và buổi chiều hàng ngày phải tăng thêm thời gian khám từ 4 giờ đến 6 giờ 30. Tuy nhiên, BS. Cương cho biết, khi gió mùa đông bắc tràn về, mang không khí khô, lạnh, bệnh đau mắt đỏ sẽ tự lùi. Rất may, những ngày này Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã có thông báo gió mùa về. Cũng theo BS. Hoàng Cương, có khoảng 20% bệnh nhân bị dịch đau mắt đỏ xảy ra biến chứng. Trong đó, chủ yếu là viêm giác mạc sợi và viêm giác mạc chấm nông. Vì thế, nếu sau khi điều trị đau mắt đỏ khoảng 5-7 ngày không thấy giảm đau, mắt không khỏi thì bệnh nhân nên tới phòng khám cẩn thận để tránh biến chứng. Để phòng tránh, BS. Cương khuyến cáo, nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, tốt nhất hãy cách ly ngay lập tức. Những người khỏe mạnh cũng nên tránh tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đau mắt đỏ, tránh nói chuyện, hít thở cùng môi trường với người bị đau mắt đỏ, không dùng khăn chậu rửa mặt chung, không bắt tay, không sờ tay nắm cửa… khu vực có người bị đau mắt đỏ.
Sau khi tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ, nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và BS. Cương cũng lưu ý thêm, xà phòng thơm thông thường không có khả năng diệt khuẩn. Ngoài ra, người dân cũng cần đặc biệt lưu ý: Khi đang bị viêm cấp thì không được xông.
Nghiêm Huê
Theo BS. Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương thì so với mọi năm, năm nay dịch đau mắt đỏ bùng phát muộn hơn. Bình thường vào tháng 6, 7 dương lịch là dịch xuất hiện nhưng năm nay, tới mùa tựu trường tháng 9 mới bùng phát nên lây lan trong học sinh nhiều.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)