Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cao điểm phòng chống hạn hán và cháy rừng ở ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng lúa chết do thiếu nước đã xuất hiện ở một số địa phương, trong khi hàng chục ngàn hộ dân ở Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… đang khốn đốn vì không đủ nước ngọt sinh hoạt. Đáng lo hơn khi một đám cháy lớn vừa xảy ra ở Kiên Giang và đang đe dọa nhiều cánh rừng khác…
Cháy rừng rình rập… từng ngày
Chiều 6-4, ông Trương Thanh Hào, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình phòng chống cháy rừng đang rất căng thẳng, bởi ảnh hưởng nắng nóng kéo dài khiến nhiều khu rừng bị kiệt nước nghiêm trọng. Thống kê mới nhất, đến thời điểm này có trên 10.000ha rừng ở huyện đảo Phú Quốc, vùng tứ giác Long Xuyên và khu vực U Minh Thượng nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Dù các ngành chức năng ở Kiên Giang rất đề phòng và dồn sức bảo vệ rừng, tuy nhiên do địa bàn rộng, khô hạn khốc liệt, nên vụ cháy rừng qui mô khá lớn vừa xảy ra trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng.
Ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết, khoảng 13 giờ ngày 5-4, ngọn lửa bùng phát dữ dội tại khu rừng rộng trên 1.200ha, ở ấp Kênh 5, xã An Minh Bắc, do Công ty cổ phần Du lịch U Minh quản lý. Ngay lập tức chính quyền địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng huy động khoảng 500 người triển khai dập lửa. Mặc dù đây là rừng sản xuất đan xen cùng cỏ dại, nhưng do khô hạn nhiều ngày nên ngọn lửa cháy rất mạnh. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày đám cháy mới cơ bản được khống chế. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 50ha. Tuy nhiên, chiều 6-4, ngọn lửa lại tiếp tục bùng phát nhưng được khống chế kịp thời. Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, các lực lượng phòng cháy chữa cháy vẫn có mặt, đề phòng nguy cơ lửa có thể bùng phát trở lại, bởi nắng quá nóng. Mặt khác, khu vực xảy ra cháy gần với Vườn quốc gia U Minh Thượng nên hết sức cẩn trọng, đề phòng việc cháy lan. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ, song dự báo có thể do người dân vào rừng bắt ong vô tình gây ra cháy.

Chữa cháy rừng trong đêm 5-4 ở U Minh Thượng – Kiên Giang.

Tại Long An, sau khi xảy ra vụ cháy rừng tại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười ở huyện Mộc Hóa, làm thiệt hại khoảng 50ha tràm tự nhiên. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường phối hợp cùng ngành chức năng tập trung quyết liệt bảo vệ rừng, bởi toàn tỉnh có khoảng 30.000ha rừng nằm trong tầm ngắm của “bà hỏa”. Trong khi đó, nắng hạn diễn ra gay gắt làm cho những cánh rừng tràm trên địa bàn U Minh Hạ (Cà Mau) “tăng nhiệt” từng ngày. Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, diện tích rừng tràm khô hạn tăng báo động. Hiện đã có 37.030ha rừng khô hạn, trong đó trên 17.900ha dự báo cháy cấp IV và 6.899ha dự báo cháy cấp V. “Với nguy cơ trên, chúng tôi thường xuyên liên lạc các chủ rừng tập trung cao độ, huy động tối đa phương tiện và con người thay phiên nhau trực phòng chống cháy” – ông Nguyễn Văn Hải nói.
Là một đơn vị quản lý diện tích rừng tràm lớn nhất (trên 25.000 ha), ông Trần Văn Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp U Minh Hạ cho biết, những ngày này lực lượng quản lý và bảo vệ rừng rất “căng”. Ông Hiếu nhìn nhận: “Sau vụ cháy rừng ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chúng tôi cũng rất hồi hộp. Hiện lực lượng quản lý và bảo vệ rừng thay nhau trực 24/24”. Cũng theo ông Trần Văn Hiếu, công ty đã trang bị 144 máy thông tin liên lạc, 22 máy bơm và hơn 2.000 người túc trực phòng chống cháy rừng.
Khẩn cấp “tiếp nước ngọt” cho dân…
Cùng với mối lo cháy rừng thì vấn đề thiếu nước ngọt do ảnh hưởng hạn mặn cũng đang báo động đỏ. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang thở dài: “Nước mặn 1,7‰ đã tràn vào tới khu vực Đồng Tâm, cách biển hơn 50km. Hiện toàn bộ huyện cù lao Tân Phú Đông đã bị nước mặn bao vây khiến các ao hồ kiệt nước nghiêm trọng. Trước thực trạng 50.000 nhân khẩu ở huyện Tân Phú Đông bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nên ngày 6-4, ngành chức năng Tiền Giang đã dùng chiếc sà lan lớn để chuyển khoảng 900m3 (khối) nước ngọt từ huyện Châu Thành xuống “tiếp ứng” cho bà con xứ cù lao này. Theo kế hoạch, việc “tiếp nước ngọt” cho người dân huyện Tân Phú Đông sẽ diễn ra liên tục từ nay cho tới cuối tháng 4-2015, với kinh phí lên đến 1 tỷ đồng”. Cũng theo ông Nguyễn Thiện Pháp, thu hoạch lúa ở vùng ngọt hóa Gò Công đã cơ bản xong, tuy nhiên có khoảng 20ha lúa ở xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) bị mất trắng, bởi người dân gieo sạ trễ nên bị nước mặn gây hại.
Ở Cà Mau, nhiều hộ dân cũng khốn khổ vì thiếu nước ngọt. Ông Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, huyện Thới Bình cho biết, nhiều ngày qua người dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao (khoảng 50.000 đồng/m3). Tình trạng “khát” nước ngọt còn kéo dài cho tới mùa mưa nên nhiều hộ sẽ rất vất vả. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, do hạn hán phức tạp đã làm cho tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vùng ngọt hóa thuộc các huyện Thời Bình, Trần Văn Thời, U Minh. “Ngoài việc bà con thiếu nước sinh hoạt thì nắng hạn kéo dài, mặn xâm thực sâu… sẽ ảnh hưởng đến cây trồng” – ông Hoai trăn trở. Để hạn chế thiệt hại, ông Hoai cho biết đang đẩy nhanh việc nạo vét các tuyến kinh để trữ nước ngọt, thường xuyên kiểm tra hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN-PTNT huyện Long Phú (Sóc Trăng) lo ngại: “Mấy ngày nay độ mặn trên các sông tăng liên tục nên huyện phải đóng toàn bộ các cống lại. Hiện các xã đã thu hoạch hơn 5.000ha/13.000ha lúa và huyện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm giảm nguy cơ thiệt hại, bởi dự báo từ nay đến cuối tháng 4 là giai đoạn hạn mặn cao điểm”. Tại Hậu Giang, ước tính có khoảng 30.000ha đất lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến giờ này các huyện đã xuống giống hơn 40.000ha/75.000ha lúa hè thu. Công tác phòng chống hạn mặn đã được tỉnh triển khai tới các huyện, xã… và đề nghị các địa phương tập trung quyết liệt. “Hiện thời các cống ngăn mặn đã đóng kín và Chi cục Thủy lợi theo dõi diễn biến từng ngày để thông báo kịp thời cho người dân biết phòng tránh. Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, do đó tỉnh Hậu Giang rất chủ động nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ hè thu, giữa mùa khô hạn khốc liệt này” – ông Nguyễn Văn Đồng nói.

NHÓM PV SGGP

Bình luận (0)