Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cạo gió và những điều cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nên sử dụng vật cạo gió là củ gừng, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu có tính ấm, nóng.
Cạo gió và những điều cần lưu ýNên sử dụng vật cạo gió là củ gừng, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu có tính ấm, nóng. Bác sĩ Trịnh Liên Việt, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, có những phân tích và lưu ý về cạo gió.
Cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian được sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay, là cách chữa bệnh rẻ tiền, đơn giản, thuận tiện mọi lúc mọi nơi và có hiệu quả tức khắc.
Chỉ cần một ít dầu gió xoa lên vùng bị đau, nhức mỏi rồi sử dụng một vật cứng, nhẵn như nắp lọ dầu, cái muỗng, đồng xu…. cạo lên vùng đau. Hoặc thậm chí nếu vùng đau ở vị trí không cạo được thì “giật gió" cho đến khi “ lên gió”, vùng da ửng đỏ hoặc đỏ bầm. Sau thao tác này, người bệnh sẽ cảm thấy giảm bớt những triệu chứng khó chịu, bớt nhức mỏi, bớt ớn lạnh, hoặc giảm cảm giác buồn nôn…
Dưới con mắt nhìn của một ông bác sĩ thì cạo gió quả là đáng sợ, vì nhìn vào sẽ thấy cơ thể người bệnh bị bầm dập, ngoằn ngoèo và có rất nhiều nguy cơ làm bệnh nặng thêm. Trước hết là dưới tác động của lực cạo lên phần mềm sẽ làm tổn thương lớp biểu bì và các mô bên dưới, gây bầm dập, rướm máu, gây xuất huyết dưới da, trầy xước vùng cạo gió. Sau nữa, cạo gió là cơ hội gây nhiễm khuẩn tại chỗ, nhiễm một số khuẩn lây lan qua đường máu thông qua vật dụng cạo gió được sử dụng qua nhiều người.
Cạo gió có tính khoa học hay phản khoa học?
Một sự thật hiển nhiên là trong xã hội vẫn tồn tại hình thức cạo gió ở khắp mọi nơi từ trong nhà ra phố chợ, từ khu nhà trọ công nhân đến ký túc xá trường học. Trên thực tế, cạo gió vẫn mang đến ít nhiều hiệu quả tức thì.
Thao tác cạo gió là một hình thức tác động cơ học lên vùng cơ bị nhức mỏi kèm thêm tác dụng ấm nóng của tinh dầu (dầu xoa), đưa đến hiệu quả giãn cơ, giãn mạch máu tại vùng đau nhức, gây giảm co thắt cơ, làm giảm đau. Ngoài ra hương tinh dầu tác động qua da, qua khứu giác gây cảm giác êm dịu thần kinh tại chỗ và toàn thân.
Yếu tố tâm lý được người thân chia sẻ lúc ốm đau bệnh hoạn cũng góp phần làm hưng phấn tinh thần người bệnh. Mà trong một xã hội công nghiệp hiện nay người thầy thuốc với những thao tác khám qua loa, cùng với những viên thuốc vô cảm không phải là địa chỉ đầu tiên mà người bệnh nghĩ tới khi bị mệt mỏi.
Cạo gió trong y học cổ truyền chính thống
Thông thường, vị trí chính để cạo gió là hai bên đường dọc cột sống. Đó là hai bên của đường bàng quang kinh, trên đoạn dọc cột sống thắt lưng là vị trí của các huyệt: Phế du, Tâm du, Cách du, Tỳ du, Vị du, Thận du Đại trường du, Khí hải du Tiểu trường du, Phách hộ, Cao hoang, Thần đường, Cách quan…  Khi tác động lên hai dãy cơ đó, chính là kích thích lên hàng loạt các hoạt động của hệ thống lục phủ ngũ tạng của cơ thể, giúp cơ thể điều hòa lại sự mất quân bình khí huyết âm dương trong cơ thể, nâng cao chính khí, trục đuổi tà khí đang manh nha xâm nhập vào cơ thể.
Theo y học cổ truyền, bàng quang kinh chủ trị các chứng sốt lạnh, nghẹt mũi, đau đầu, cứng cổ, đau thắt lưng, và các huyệt tương ứng với từng tạng phủ, có tác dụng lý khí điều huyết. Do đó khi cạo gió dọc theo hệ thống kinh bàng quang, cũng là tác động một phần lên toàn hệ thống cơ thể, có tác dụng bổ chính khí, khu trục tà khí, nhằm tăng cường các hoạt động chức năng của cơ thể.
Ngoài phương pháp cạo gió, thầy thuốc y học cổ truyền còn có thể sử dụng kỹ thuật xoa bóp, day, lăn, miết, bấm …hoặc giác hơi,  lên vùng lưng trong những trường hợp bệnh lý tương tự cũng đạt hiệu quả như cạo gió.
Một số lưu ý khi cạo gió:
– Nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa
– Không nên sử dụng dầu xoa mà thành phần của nó có tinh dầu bạc hà (menthol), vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.
– Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.
– Không dùng lực tác động mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm khuẩn.
– Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.
– Không nên cạo vùng cơ cổ.
– Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm.
– Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh , nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang,… thì nên đến cơ sở y tế  khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.
Theo VnExpress.net

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)