Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cao huyết áp đang “trẻ hóa”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bệnh nhân cao huyết áp đang khám tại Viện Tim TP.HCM
Từ trước tới nay, cao huyết áp được coi là bệnh của người già. Thế nhưng, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, hiện nay nhiều người đang ở độ tuổi dưới 40 và cả dưới 30 đã bắt đầu có hiện tượng cao huyết áp một cách bất thường. Vì thế, nếu chủ quan thì bệnh này sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.
Theo tổng kết của Tổ chức Y tế thế giới, tim mạch là căn bệnh đang được xếp hàng đầu mà trong đó có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và lipid máu… Thời gian gần đây, anh Trần Văn Huỳnh – nhân viên văn phòng một công ty xây dựng trên đường Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM thường có triệu chứng nhức đầu và mệt mỏi sau một ngày làm việc. Cứ nghĩ là do cảm sốt nên người đàn ông 32 tuổi này thường bỏ qua, nhưng trong một lần đi khám tổng quát thì mới được BS cho biết huyết áp đã tăng lên đến 140/110. Đó cũng là trường hợp của thầy Hà Huy T. – Hiệu trưởng một trường phổ thông ở Q.2. Gần đây, khi được hỏi thăm sức khỏe thầy T. cho biết, dù mới 40 tuổi nhưng huyết áp đã có vấn đề. Chính vì thế hôm nào làm việc căng thẳng và quá sức thì thầy T. thường chóng mặt và mệt mỏi. Rất nhiều trường hợp khác mới hơn 30 tuổi nhưng khi khám ở bệnh viện mới phát hiện ra mình bị cao huyết áp một cách quá bất ngờ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc ở những người trong độ tuổi lao động bị giảm sút. Đã có không ít trường hợp thanh niên trong độ tuổi này bị đột quỵ, tai biến dẫn đến những cái chết không được báo trước. Theo các BS tim mạch, một số người trẻ tuổi nhưng có bệnh lý về thận, khi được điều trị đều nằm trong nhóm những người cao huyết áp. Chỉ 30% bệnh nhân trẻ có nguyên nhân rõ ràng khi phát hiện cao huyết áp. Bệnh này được chia làm 2 nhóm: Cao huyết áp nguyên phát và thứ phát. Nếu cao huyết áp nguyên phát không rõ nguyên nhân thường gặp ở những người cao tuổi thì cao huyết áp thứ phát lại có nguyên nhân rất rõ rệt mà chủ yếu là hẹp động mạch thận hay cường tuyến thượng thận.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
 
Người trẻ cần tránh áp lực trong công việc
Để hiểu rõ hơn triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị cho những người trẻ tuổi về căn bệnh cao huyết áp, Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Đỗ Quang Huân – Phó giám đốc Viện Tim TP.HCM:
PV: Thưa BS, đâu là nguyên nhân chính của căn bệnh cao huyết áp, nhất là đối với những người trẻ tuổi?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết áp tăng cao trong đó phải kể tới nguyên nhân hàng đầu là stress khi con người bị chấn động tâm lý, làm việc căng thẳng. Nói chung là lối sống làm việc, học tập quá căng thẳng và luôn bị áp lực lớn trong công việc mà giới trẻ hay mắc phải.
Được biết chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng ít nhiều đến huyết áp của từng người?
Đúng vậy. Chế độ ăn uống thiếu hợp lý dễ làm cho huyết áp tăng cao mà trong đó là chế độ ăn mặn thiếu kiềm chế. Nhiều người trẻ tuổi có thói quen ăn nhiều nước mắm, ăn khô và các loại mắm dễ làm cho huyết áp tăng do nước bị giữ lại trong huyết áp.
Ngoài ra còn có nguyên nhân nào khác nữa, thưa BS?
Không tập luyện thể dục thường xuyên cũng làm cho huyết áp tăng cao. Thiếu vận động, ngồi một chỗ và ít vận động dễ bị béo phì và huyết áp sẽ tăng bất bình thường. Như trên đã nói, những người trẻ tuổi do áp lực công việc nhiều ít bệnh tật nên dễ chủ quan vì thế rất nguy hiểm khi không biết mình bị cao huyết áp. Đôi khi chỉ bị nhức đầu hoặc chóng mặt nên các bạn trẻ cũng không để ý. Chỉ có khi đi khám sức khỏe họ mới vô tình phát hiện ra triệu chứng cao huyết áp. Ngoài ra, cao huyết áp còn liên quan đến cả di truyền.
Cũng giống như nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, cao huyết áp thường để lại nhiều biến chứng ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. BS có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Biến chứng đầu tiên của cao huyết áp là xơ vữa động mạch. Khi các bộ phận quan trọng trong cơ thể như  tim, niệu, thận có hiện tượng xơ vữa động mạch thì cơ thể sẽ bị thiếu máu cơ tim, thiếu máu não. Cơ tim và não thiếu máu thì dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Đây thật sự là điều đáng tiếc đối với người trẻ tuổi đáng lý ra không nên có.
BS có thể cho biết các hướng điều trị tốt nhất cho những người trẻ tuổi bị cao huyết áp?
Khi bị cao huyết áp, bệnh nhân phải uống thuốc đều đặn và tuân thủ sự chỉ định của BS. Nếu chủ quan bỏ hay quên uống thuốc thì không những không hết bệnh mà còn làm cho bệnh kéo dài thêm và khó chữa trị. Bên cạnh đó, thanh niên cần có lối sống lành mạnh, tạo những thói quen tốt trong sinh hoạt như năng tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau củ quả, trái cây. Hạn chế ăn mặn và các loại đồ ăn nhiều muối nhất là những người đã có triệu chứng cao huyết áp. Tránh được stress, căng thẳng về tinh thần cũng làm cho huyết áp ổn định. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu được thì 6 tháng còn không thì 10 tháng một lần để sớm phát hiện ra mình có bị cao huyết áp hay không. Riêng cao huyết áp do di truyền thì không thể nào tránh được mà cần phải tìm cách hạn chế. Nói tóm lại, không nên chủ quan cho rằng trẻ khỏe thì không có bệnh tật, kể cả cao huyết áp.
Xin cảm ơn BS. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)