Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cảo thơm lần giở: Thanh Tâm Tài Nhân ký thác tâm sự vào nhân vật Kim Trọng?

Tạp Chí Giáo Dục

Vở cải lương Kiều của Đoàn cải lương Chuông Vàng – Hà Nội. Ảnh: P.N.Q

Sau 5 năm vắng bóng (tôi nhớ không nhầm thì từ năm 2005 đến nay) làm cho nhiều độc giả Báo Giáo Dục TP.HCM không khỏi nhớ nhung, chuyên mục “Truyện Kiều – Cảo thơm lần giở” lại tái xuất trên mặt báo vào những ngày đầu năm 2010. Tôi không phải là nhà “Kiều học” nhưng cũng đọc khá nhiều tài liệu về Truyện Kiều, lần này thật sự bất ngờ với những phát hiện mới lạ trong bài “Hai nhân vật chính trong Truyện Kiều: Kim Trọng và Thúy Kiều, Nguyễn Du ký thác tâm sự vào nhân vật nào?” nhất là những chi tiết liên quan đến tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN). Tác giả Lê Xuân Lít đưa ra tài liệu cho rằng TTTN là người yêu trong đời thực. Điều này cũng có thể xảy ra lắm chứ, vì văn học luôn là tấm gương phản chiếu đời sống hiện thực mà các nhà văn có quyền gửi gắm nỗi niềm và tâm sự của mình trong đó. Theo tác giả, TTTN đã mượn nhân vật Kim Trọng để ký thác tâm sự của mình là một thông tin mới rất hấp dẫn. Nhưng nếu như nguyên mẫu ngoài đời là một con người vô cớ mang vạ cho người khác, hơn nữa lại là một nhà sư vô tội để cứu hạnh phúc riêng của mình thì quá tàn nhẫn khó ai chấp nhận được. Nàng Kiều ngoài đời vì cứu TTTN mà đang tâm để Hồ Tôn Hiến giết chết một thầy tu thì không chỉ xa lạ mà còn làm giảm đi rất nhiều vẻ đẹp tâm hồn của nàng Kiều trong trang sách của Tố Như. Theo nhiều nguồn nghiên cứu thì Kim Vân Kiều Truyện của TTTN chỉ là một câu chuyện gần như hư cấu hoàn toàn. Chất liệu mà TTTN dựa vào để chấp bút Kim Vân Kiều Truyện là cuốn Từ Hải tiểu sử bản mạt, trong đó chỉ có các nhân vật chính là: Từ Hải, Thúy Kiều và Hồ Tôn Hiến. Nếu đúng như vậy thì rõ ràng Kim Trọng là nhân vật không có thật ngoài đời mà do TTTN hư cấu thêm nên chàng Kim không thể là “cái loa phát ngôn” của TTTN được. Và việc TTTN ký thác tâm sự của mình vào nhân vật Kim Trọng là chuyện sau này người đời suy diễn mà thôi. Còn “sự kiện” Thúy Kiều là nhân vật mà đại thi hào ký thác tâm sự của mình vào đó hầu như nhà nghiên cứu nào cũng đã nói đến không còn gì mới và chẳng có chi để bàn cãi nữa.
PHAN NGỌC QUANG

Bình luận (0)