Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Caosu bị ngành thuế làm khó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại hội nghị “Tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu caosu khu vực Tây nguyên và duyên hải miền Trung” vừa được Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam (VRG) tổ chức tại Gia Lai, đại diện Cty TNHH MTV caosu Chư Păh kêu trời cho rằng bị ngành thuế làm khó… 

“Tổng” chấp nhận, “cục” gây khó

Cty TNHH MTV caosu Chư Păh được xem là đại gia caosu ở khu vực Tây Nguyên, hiện đang quản lý trên 8.000ha caosu. Tuy nhiên mới đây, bức xúc tại hội nghị, tiến sĩ Lê Đức Tánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty) cho biết, vì giữa 2 nước chưa có hiệp định song phương nên sản phẩm Cty chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường mậu biên. Hình thức thanh toán là hối phiếu chứ không mở L/c nên thường bị cán bộ thuế Gia Lai gây khó khăn. “Cục thuế địa phương cho rằng xuất với hình thức mậu biên, không mở L/c, không thanh toán qua ngân hàng do bên mua chỉ định và ngân hàng do bên bán chỉ định thì chứng từ chưa đủ điều kiện hoàn thuế. Vì thế năm 2008 Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã không chấp nhận hình thức xuất khẩu mậu biên, đòi truy thu tới 8 tỉ đồng!” – ông Tánh nói! Cty đã làm văn bản khiếu nại lên Tổng cục Thuế. Tổng cục đã đồng ý việc xuất khẩu mậu biên được miễn thuế nhưng Cục thuế Gia Lai vẫn gây khó khăn. Phải tốn nhiều giấy mực văn bản qua lại với Tổng cục Thuế thì sau đó Cục thuế Gia Lai mới chấp nhận.
Trên 60% CN Cty TNHH MTV caosu Chư Păh là đồng bào dân tộc.
Ảnh: Ngô Nguyên
Mặc dù không bị truy thu nữa nhưng ông Tánh cho rằng, việc miễn giảm thuế xuất khẩu mậu biên chưa có văn bản chính thức từ Tổng Cục thuế hoặc Bộ Tài chính ban hành để làm căn cứ cho cục thuế địa phương cũng như DN quy chuẩn. Các văn bản trả lời cho Cty chỉ ở dạng trả lời câu hỏi của DN… Vì vậy Cty đề nghị VRG cần có giải pháp kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Gia Lai chấp thuận đặc thù của việc xuất khẩu mậu biên nhằm bớt phiền hà khó khăn cho DN mỗi khi cục thuế xuống kiểm tra quyết toán.
Nảy sinh mâu thuẫn
Ngoài ra, theo đại diện Cty TNHH MTV caosu Chư Păh thì Cty nằm trong diện được hưởng ưu đãi thuế nông nghiệp bởi là đơn vị sử dụng trên 60% đồng bào dân tộc. Nếu cộng thêm với phần xuất khẩu trực tiếp từ 60-70% sản phẩm mủ caosu thuộc diện được hoàn thuế thì phần nộp ngân sách cho địa phương của Cty sẽ được miễn giảm nhiều.
Vấn đề này lại nảy sinh mâu thuẫn mới và cũng là nguyên nhân khiến Cty bị ngành thuế địa phương “hành”. Cụ thể, một mặt các cấp chính quyền địa phương ở Gia Lai đều muốn có dự án sử dụng đồng bào dân tộc để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, ổn định an ninh nông thôn bền vững. Nhưng như vậy thì ngành thuế sẽ không thu được thuế sử dụng đất nông nghiệp (dự án DN sử dụng từ 30% đồng bào dân tộc trở lên thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp).
Mặt khác, ngân sách tỉnh muốn xuất khẩu trực tiếp để thu ngoại tệ về nhưng lại phải hoàn thuế xuất khẩu dẫn tới ngành thuế cũng không thu được thuế giá trị gia tăng của Cty caosu. “ Chính vì vậy ngành thuế địa phương tìm cách kiểm tra, gây khó khăn để loại chi phí nhằm tăng thu khiến Cty khổ sở. Mâu thuẫn này cần giải tỏa để đảm bảo hài hòa lợi ích ngành và DN cũng như địa phương chứ nếu ngành nào cũng chỉ vì lợi ích, thành tích của mình thì những Cty caosu xuất khẩu đặc biệt mặt hàng caosu thiên nhiên ở các tỉnh có đồng bào dân tộc như chúng tôi khổ lắm!”. Ông Tánh bức xúc!
Cty TNHH MTV caosu Chư Păh ra đời theo chủ trương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai và là một trong những đơn vị tiên phong đưa cây caosu vào tỉnh này. Hiện Cty là doanh nghiệp có tỉ lệ công nhân người dân tộc thiểu số cao nhất ngành caosu và trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từng đạt được nhiều phần thưởng như huân chương chiến công, huân chương lao động, bằng khen, giấy khen của tỉnh Gia Lai v.v…
 Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)