Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp bách đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy học cá thể là một cách
đổi mới giáo dục (ảnh chụp tại Trường TH Bình Trị 1, quận Bình Tân, TP.HCM)

Sau 25 năm với 4 lần đổi mới nhưng
giáo dục (GD) Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại trong phát triển. GD vẫn không
thể phù hợp với những đòi hỏi của xã hội. Vì vậy, đổi mới căn bản và toàn diện
nền GD là vấn đề bức xúc và cấp bách hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, sáng 1-11 tại
TP.HCM, Ban Tuyên giáo TW đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Đổi mới căn bản,
toàn diện GD-ĐT”. Tại đây, các chuyên gia GD đã mổ xẻ những tồn tại ngăn cản sự
phát triển GD nước nhà cũng như đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng
GD-ĐT…
Chưa coi trọng đào tạo con người
Việt Nam
Luật GD năm 2005 nêu rõ: Mục tiêu GD
là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức
khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công
dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Mục tiêu nhấn mạnh là đào tạo con
người Việt Nam chứ không phải con người chung chung của bất kỳ nước nào – con
người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình. Để GD
trở thành con người Việt Nam thì ít nhất phải biết sử Việt Nam, địa lý thiên
nhiên giàu đẹp của đất nước, phải biết truyền thống dân tộc bốn ngàn năm văn
hiến, biết nghĩa vụ người công dân Việt Nam… Song, trên thực tế đã có mấy nơi
coi trọng việc GD tính nhân văn cho học sinh? Và có mấy nơi coi trọng các môn
học mang tính nhân văn? Bao nhiêu “cô tú, anh cử” nhớ được lịch sử, địa lý và
tự hào truyền thống cha ông?”, PGS.TS Đoàn Văn Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường
ĐH Nông nghiệp TP.HCM tâm tư.
Việc đào tạo con người Việt Nam phải
được bắt đầu từ phổ thông, đặc biệt là ở mầm non và tiểu học. Nhưng dường như
GD phổ thông đã bị “bỏ quên”. Thực tế đã chứng minh, mặc dù các trường ĐH “mọc
lên” như nấm nhưng nhiều người vẫn cứ đổ xô vào đầu tư cho GDĐH. Còn ở phổ
thông, nhất là mầm non, trường lớp ọp ẹp. “Không chỉ ở vùng sâu vùng xa mà ngay
cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng có những trường phổ thông quá bê
bết, yếu kém về cơ sở vật chất”, TSKH. Cao Văn Phường, Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương khẳng định.
Đổi mới là bỏ cái cũ, cái lạc hậu
Việt Nam có thể sánh vai cùng các
cường quốc hay không, không phải là ở “rừng vàng và biển bạc” mà là ở chất
lượng của GD. Như PGS.TS Đào Duy Huân khẳng định: “Trong nền kinh tế thị
trường, chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thắng lợi trong cạnh tranh. Sự
tụt hậu trong chất lượng đào tạo sẽ tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã
hội”.
Và PGS.TS Huân cũng cho rằng: “Để GD
Việt Nam có thể phát triển ngang tầm nền GD của những nước phát triển chỉ có
thể phát triển nhanh và bền vững. Điều đó có nghĩa là không chạy theo “tốc độ
thành tích”, không chạy theo số lượng, mở rộng quy mô đơn thuần mà phải coi
trọng nâng cao chất lượng. Riêng với GDĐH cần phải đột phá các khâu trọng yếu.
Cụ thể, tái cấu trúc trường ĐH phù hợp với hội nhập quốc tế. Trường ĐH Cần Thơ
là một ví dụ điển hình, được tổ chức thành ba khối (khối đào tạo; khối nghiên
cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ; khối quản lý). Mở rộng quyền tự
chủ cho các trường ĐH, từ khâu quyết định chỉ tiêu, tự tuyển sinh, ngành đào
tạo, mở rộng hợp tác quốc tế, tự chủ tài chính… Đặc biệt phải tăng cường liên
kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân
lực đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội, của doanh nghiệp”.
GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, nguyên Thứ
trưởng Bộ GD-ĐT thì cho rằng: “Đổi mới căn bản và toàn diện GD là tiến hành cải
cách GD. Tức là thực hiện sự thay đổi GD, vứt bỏ cái cũ, cái lạc hậu, cái không
phù hợp của GD với xã hội hiện nay”. Và ông cũng đưa ra các nhiệm vụ trước mắt
của đổi mới GD, trong đó khâu then chốt chính là đổi mới cơ chế quản lý GD.
Muốn đổi mới cơ chế quản lý GD phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi
và nghĩa vụ của các cấp quản lý từ trung ương, địa phương đến từng cơ sở GD.
Đóng góp ý kiến cho công cuộc đổi
mới GD, TSKH. Phường đưa ra phương pháp “cộng học” giữa thầy và trò, trò và
trò. Phương pháp này được xây dựng trên nguyên tắc 4 chữ “H” – Học, Hỏi, Hiểu
và Hành. Trong đó, “Học để biết cách học như thế nào, Học để biết cách hỏi. Hỏi
để học, Hỏi để hiểu. Hiểu phải hiểu đúng, hiểu đúng thì hành mới đúng. Hành
đúng mới có hiệu quả, hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay
tinh thần có chất lượng, đảm bảo nhu cầu bản thân, gia đình, cộng đồng, xã
hội…”, ông giải thích.
Bài, ảnh:
Kim Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)