Mới đây, Nguyễn Thanh H., 23 tuổi, vào viện trong tình trạng lo lắng, hốt hoảng. Nạn nhân khai trong lúc nằm ngủ có cảm giác đau nhói ngón chân trái, nạn nhân tỉnh dậy và đập chết một con rắn lục màu xanh. Khi vào viện được bác sĩ xác nhận là rắn lục tre miền Nam – còn gọi là rắn lục đầu dồ đuôi đỏ. Nạn nhân đã được điều trị đặc hiệu và xuất viện ổn định.
Từ đầu năm đến nay, BVĐK trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận cấp cứu gần 10 bệnh nhân vào viện vì rắn lục tre cắn (rắn hổ đất ít gặp hơn), trong đó có những trường hợp đến muộn hoặc được sơ cứu chưa đúng gây khó khăn cho công tác điều trị hoặc ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tuy nhiên, sau khi được điều trị tất cả nạn nhân đều xuất viện trong tình trạng ổn định.
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi nước nên tự sản xuất huyết thanh để điều trị nạn nhân bị rắn độc cắn ở nước mình. Tại Việt Nam, Viện Văcxin Nha Trang đã sản xuất hai loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre. Việc sử dụng tại BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ cho thấy nếu nạn nhân đến sớm và sơ cứu đúng cách thì việc điều trị sẽ cho kết quả rất cao.
Những nạn nhân cho biết khi bị rắn độc cắn thường có cảm giác như một vật gì đập mạnh vào cơ thể hoặc như có ai đè một vật nặng lên cơ thể. Thông thường triệu chứng thường gặp của rắn lục cắn là đau nhiều, đau dữ dội nơi vết cắn và có phù nề quanh vết cắn.
Sau khi bị cắn, nếu bắt được rắn nên mang đến bệnh viện để nhận diện, giúp việc điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn chính xác hơn. Đồng thời trấn an bệnh nhân. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Không cấp cứu bằng cách băng ép, không garô động mạch. Tuyệt đối tránh can thiệp vào vết cắn như nặn, bóp, chích, rạch vì có thể làm tăng hấp thu nọc rắn vào cơ thể, gây nhiễm trùng hoặc chảy máu.
ThS-Bs NGUYỄN MINH VŨ
(BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ)
Theo Tuổi trẻ
Bình luận (0)