Căng thẳng thần kinh (stress) là một trạng thái nhiều người phải thường xuyên chịu đựng trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ít người lại nghĩ rằng bị stress cũng có thể phải đi cấp cứu.
Cấp cứu vì bị kích động
Chị Lê Thanh Hương (làm việc tại Tập đoàn EMG – Khối các trường ĐH Bắc Anh tại VN) cùng đồng nghiệp tới ăn trưa (buffet) tại nhà hàng Pepperonis ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Tại đây, giữa chị Hương và một số nhân viên của nhà hàng đã xảy ra sự cãi cọ do các nhân viên này không cho chị Hương và 4 người bạn lấy hộ thức ăn cho những người khác. Trong khi đó, chị Hương giải thích lý do nhà hàng chật chội, nếu cả nhóm (gồm 12 người) cùng xuống lấy thức ăn sẽ rất bất tiện. Nghe thấy nhân viên nhà hàng có những lời lẽ thiếu tế nhị đối với mình và các bạn, chị Hương rơi vào trạng thái bị kích động thần kinh cao độ, lên cơn đau bụng quằn quại và phải đưa đi cấp cứu tại Viện Quân y 108. Theo bác sĩ cấp cứu cho chị Hương, nguyên nhân khiến chị rơi vào tình trạng như vậy là do bị lên cơn stress cấp tính.
Stress cấp tính là một loại stress xuất hiện ngay sau khi có sự thay đổi về thói quen. Nó là một loại stress mạnh mẽ, nhưng diễn biến rất nhanh. Stress cấp tính tạo ra những cảm giác không thoải mái và bất định. Triệu chứng của loại stress này thường là: đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặc đau mình... |
Bác sĩ Cao Độc Lập – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt – Đức (HN) cho biết đã từng gặp một số trường hợp khi bị mổ ở một bộ phận nào đó (như đầu gối, đùi…) lại sinh ra… chảy máu dạ dày. Đây cũng có thể được coi là một hậu quả do cơ thể phải chịu đựng sự đau đớn đột ngột.
Quá lo lắng sẽ… đau bụng
Diệu Hồng – SV năm thứ hai Trường ĐH Văn hóa HN cho biết từ nhỏ đến giờ, cô để ý thấy một hiện tượng rất lạ là cứ trước mỗi kỳ thi hay trước một việc quan trọng nào đó, Hồng đều bị đau bụng, đi ngoài. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia tâm bệnh học thì đây hoàn toàn là điều có thể giải thích được. TS tâm lý Trương Thị Bích Hà – Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo Khánh Hà cho biết đã có không ít trường hợp phụ huynh gọi điện đến trung tâm nhờ tư vấn không hiểu tại sao con họ cứ học hành căng thẳng là kêu đau bụng, buồn nôn, chóng mặt… Nhiều người tỏ ý nghi ngờ không biết bọn trẻ có bị đau thật không hay giả vờ để được nghỉ học. Thực ra, chuyện giả vờ hoàn toàn có thể xảy ra nhưng chắc chắn không nhiều và hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Còn theo lý giải của khoa học, khi một người quá lo lắng, căng thẳng (bị stress), nhất là những người “thần kinh” yếu (như trẻ em), cơ thể sẽ có những phản ứng để tự bảo vệ, mức độ phản ứng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mỗi người. Nếu căng thẳng xảy ra bất ngờ và mạnh hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần thì không chỉ gây nên những cơn đau dạ dày, co thắt ruột chức năng mà còn có thể làm xuất hiện những rối loạn thần kinh thực vật, làm cho tim đập nhanh, xuất hiện những cơn đau thắt ngực, khó thở, ngất xỉu...
Không nên coi thường
Cơn stress cấp tính thường xuất hiện khi con người phải đối mặt với những tình huống không lường trước, có tính chất dữ dội, bị kích động thần kinh đột ngột, mạnh mẽ, nhưng cũng có khi là sự tích tụ của cả một quá trình, đến trước “giờ G” mới bùng nổ (như trường hợp HS mất ngủ, đau bụng, ngất xỉu… trước kỳ thi).
Một điều đáng chú ý là cơn stress cấp tính thường xảy ra ở những người dễ bị kích động, khả năng chống đỡ với áp lực của cuộc sống yếu hơn những người khác. Chính vì vậy, mặc dù những biểu hiện của stress cấp tính qua nhanh nhưng thực ra nó không hề mất đi mà ngấm ngầm tích tụ lại, dần trở thành stress mãn tính. Nếu những người này không học cách chống chọi lại những áp lực của cuộc sống thì khi gặp những biến cố lớn hơn, có thể họ sẽ không thể vượt qua nổi. Về lâu dài, một người thường xuyên bị stress, kể cả vì những nguyên nhân không đáng, sẽ không thể có một đời sống tinh thần vui vẻ, thoải mái và như vậy, chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ dẫn đến những rối loạn tâm thần nặng nề.
Châu Giang
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)