Cáp điểu nhục (thịt bồ câu) là vị thuốc được Đông y dùng từ lâu đời để chữa nhiều bệnh.
Cáp điểu nhục có vị mặn, tính bình, hơi ấm, có tác dụng bổ ngũ tạng, tăng cường khí huyết, mạnh dương, trừ cam tích, kích thích tiêu hóa. Đặc biệt, với người cao tuổi và trẻ em (chức năng tiêu hóa kém), thì tác dụng bổ dưỡng của cáp điểu nhục càng rõ rệt. Thịt chim bồ câu dễ tiêu hóa hơn các loại thịt gia cầm khác với thành phần chủ yếu có protein, lipit, can-xi, phốt-pho, sắt, nhiều loại muối khoáng, vitamin…
Món bồ câu tứ bửu – Ảnh: Richangyinshi
1. Bị liệt dương, thiếu máu, hoa mắt hay choáng váng có thể dùng bài thuốc sau: Lấy một con bồ câu non và 5 con chim sẻ, làm thịt, bỏ lòng ruột, cắt nhỏ sấy khô giòn, tán bột mịn. Đỗ trọng 120g sao tồn tính, tán nhỏ cùng với muối rang 4g. Trộn đều các bột, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt bắp. Ngày dùng hai lần, mỗi lần 15 viên với nước ấm.
2. Người yếu mệt cần bồi dưỡng, phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ, những đôi vợ chồng trẻ đang tuần trăng mật, những cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong có con… ăn cháo bồ câu ra ràng hầm với đậu xanh và hạt sen rất tốt. Thịt bồ câu nấu cùng đậu xanh và gạo. Khi cháo gần nhừ cho thêm hạt sen vào và nấu cho chín tới. Vớt thịt ra, xé nhỏ, cho lại vào cháo, ăn lúc còn nóng.
3. Người già cơ thể suy yếu, có thể ăn canh chim bồ câu trắng, làm như sau: chim làm sạch, bỏ tiết, bỏ lông, bỏ nội tạng, trộn cùng 30g khởi tử, và bột gừng, rượu, gia vị. Dùng lửa nhỏ nấu dạng canh để dùng.
4. Người bị tiểu đường có thể dùng một con chim bồ câu đực, lông trắng làm sạch, bỏ lông, bỏ nội tạng, cắt miếng, nấu chín cùng với 50g hoài sơn, 30g ngọc trúc, không dùng gia vị, mà ăn nhạt.
5. Người hay bị váng đầu, hoa mắt, tim đập không đều, mất ngủ, có thể dùng 30g ngũ vị tử, 30g khởi tử, 30g hà thủ ô đem nấu lấy nước, dùng nước thuốc này luộc 4 quả trứng chim bồ câu, gia thêm 100g rượu nếp cái. Khi trứng chín cho thêm 50g đường đỏ, bỏ vỏ trứng, ăn trứng và dùng nước lúc còn nóng.
6. Chữa chứng ra mồ hôi trộm: Dùng một con bồ câu, 20g hoàng kỳ, 25g kỷ tử. Bồ câu làm sạch, bỏ hết nội tạng cho hoàng kỳ, kỷ tử vào bụng và khâu lại rồi hấp cách thủy. Khi chín bỏ xác hoàng kỳ, kỷ tử, chỉ dùng thịt chim và nước. Dùng 3 lần cách nhau 5 ngày, chứng mồ hôi trộm sẽ đỡ.
Hoài Vũ/TNO
Bình luận (0)