Mới đây, Chính phủ nêu quan điểm về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó nhất trí với ý kiến quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu (rớt tốt nghiệp) thì sẽ được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Theo các nhà quản lý giáo dục, cần phải mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân trong giờ học
Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà quản lý giáo dục. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cho rằng trên-cả-tấm-giấy-chứng-nhận đó cần phải mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm cho đối tượng này. Và trên hết là thay đổi quan niệm của đại bộ phận nhà tuyển dụng hiện nay, đó là phải có bằng cấp mới được tuyển dụng.
Rớt tốt nghiệp chỉ có thể… làm thợ “đụng”
Nói về quy định “Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông” cho những học sinh không thi hoặc thi rớt tốt nghiệp, các nhà quản lý giáo dục cho rằng việc này đã được các trường thực hiện từ lâu nhưng không đại trà mà chỉ cấp cho những học sinh có nhu cầu. Do vậy, nếu quy định được ban hành thì “sẽ tạo ra sự bài bản, chuyên nghiệp hơn và các trường cũng có văn bản chính quy để thực hiện”. Tuy nhiên, đa số các nhà quản lý giáo dục cho rằng việc cấp là một chuyện, còn giá trị của tấm giấy đó như thế nào mới là “chuyện cần phải bàn”.
Thầy Trần Minh Thùy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho hay việc này là hoàn toàn cần thiết. Nhà trường cấp giấy trên cho học sinh là chuyện hết sức đơn giản. Kể lại câu chuyện về số phận của những học sinh rớt tốt nghiệp của trường, thầy Thùy cho biết phần lớn các em lựa chọn con đường đi làm. Và công việc ở đây thường là những công việc tự do. Số rất ít lựa chọn xin học lại để thi lấy bằng tốt nghiệp. “Em nào có chí lắm mới chọn theo học các khóa học nghề ngắn hạn như sửa chữa xe máy, sửa điện tử, làm tóc…, còn lại phần nhiều là nghề nghiệp tự do. Các em rất khó để xin vào công ty hay doanh nghiệp bởi yêu cầu tối thiểu của họ là phải tốt nghiệp THPT”, thầy Thùy chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Hiệp (Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại đặt câu hỏi: Nếu cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh rớt tốt nghiệp thì cần phải có sự phân định rạch ròi các giá trị với tấm bằng tốt nghiệp THPT. Hiện tại, kỳ thi THPT quốc gia mục đích chính là xét tốt nghiệp cho học sinh. Vì vậy, với những học sinh rớt tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận cần phải có mục đích sử dụng, có sự khác biệt với bằng tốt nghiệp THPT hiện hành, tránh lãng phí, chồng chéo.
Cần mở ra nhiều hướng đi cho học sinh
“Vấn đề ở đây không phải là cấp hay không cấp mà là cấp nhằm mục đích gì, có lợi gì cho các em. Việc này cần phải được nghiên cứu rõ ràng, đặc biệt là trong Luật Giáo dục nghề nghiệp để mở thêm các cơ hội nghề nghiệp cho các em”, thầy Đặng Đình Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình) nhìn nhận. |
Ở góc độ quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) băn khoăn về giá trị của tấm giấy chứng nhận: “Liệu sẽ ứng dụng như thế nào trong xã hội hiện nay?”. Theo thầy Phú, việc cấp giấy là rất bình thường, nhưng xa hơn điều bình thường đó lại là câu chuyện về nhà tuyển dụng lao động có chấp nhận tấm giấy chứng nhận đó hay không. “Song song với quy định đó cần phải mở ra nhiều hướng đi khác cho các em. Cụ thể, các em sẽ được rẽ sang hướng học vấn nào. Định hướng giáo dục tiếp theo như thế nào cần phải rõ ràng, ví dụ, các em có thể đăng ký vào các trường TC, CĐ được không. Nhưng hơn hết là quan điểm của nhà tuyển dụng…”, thầy Phú nói.
Rất tâm tư, thầy Trần Minh Thùy cho hay nhiều học sinh rớt tốt nghiệp “tha thiết” được đi học tiếp, nhưng hiện tại chưa có một cơ chế nào để các em có thể học tập chuyên sâu hơn. “Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nhưng quan trọng chính là cơ hội của các em như thế nào trong cả học tập và việc làm, có khác gì không so với việc các em không được cấp giấy. Và nếu khác thì khác ở chỗ nào”, thầy Thùy nhấn mạnh.
Đây cũng là đề xuất của thầy Đặng Đình Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM). Thầy Quý cho rằng với kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay được sử dụng cho hai mục đích chính là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì tấm bằng tốt nghiệp đang được coi là “tấm giấy thông hành” để các em có thể lựa chọn những hướng học tiếp hoặc ra đời làm việc. Ngược lại, nếu rớt tốt nghiệp, học sinh hoặc chỉ có thể lựa chọn đi du học, hoặc lựa chọn thi lại thì mới có cơ hội học tập tiếp hoặc làm một công việc có chuyên môn. “Vấn đề ở đây không phải là cấp hay không cấp mà là cấp nhằm mục đích gì, có lợi gì cho các em. Việc này cần phải được nghiên cứu rõ ràng, đặc biệt là trong Luật Giáo dục nghề nghiệp để mở thêm các cơ hội nghề nghiệp cho các em”, thầy Quý nhìn nhận.
Yến Hoa
Bình luận (0)