Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp mã định danh cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, ban ngành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt” trên địa bàn TP.HCM.

Cha mẹ đưa con đến trụ sở Công an TP.HCM làm căn cước công dân. Ảnh: Hồ Trinh

Tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ nhóm trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc hoàn tất các giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền lợi pháp lý và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Nhiều trường hợp từ thời ông, bà đã không có giấy tờ tùy thân

Đây là khẳng định của ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích thực trạng và những khó khăn trong công tác cấp giấy tờ cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Đối tượng này bao gồm trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em di cư và trẻ em từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc thiếu giấy tờ pháp lý không chỉ cản trở các em trong việc học tập, tiếp cận y tế mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của các em.

Các đại biểu cho rằng, hiện nay việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Những vấn đề như thiếu giấy tờ chứng minh từ cha mẹ, khó khăn trong thủ tục hành chính, thiếu sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan đã khiến quá trình cấp giấy tờ trở nên phức tạp. Đồng thời, nhận thức về tầm quan trọng của giấy tờ pháp lý ở một số gia đình, đặc biệt là gia đình di cư, còn hạn chế, dẫn đến tình trạng không làm giấy tờ cho trẻ em hoặc bỏ sót các thủ tục.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do quy định pháp lý chưa đồng bộ, hạn chế trong nguồn lực của các cơ quan chức năng và thiếu sự phối hợp liên ngành. Đặc biệt, các quy định pháp lý hiện hành chưa có sự linh hoạt cho những trường hợp đặc biệt, trong khi nhiều gia đình và trẻ em không nhận được sự hỗ trợ cần thiết về thông tin và pháp lý.

Ông Nghinh cho rằng, việc bảo vệ trẻ em dù ở giai đoạn, lĩnh vực nào cũng rất quan trọng và vấn đề pháp lý, giấy tờ tùy thân là cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em. Nếu không có giấy tờ tùy thân, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng những quyền về giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội…

Theo ông Nghinh, nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan còn gặp khó trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em là do sự thiếu chủ động của gia đình, cơ sở trợ giúp trẻ em và địa phương trong việc làm giấy tờ, thủ tục hành chính; nhiều trường hợp từ thời ông, bà đã không có giấy tờ tùy thân; nhiều trẻ không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh…

“Để trẻ em được cấp giấy tờ pháp lý đầy đủ,  các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn, có cách tiếp cận linh hoạt để xử lý cho các trường hợp đặc thù…”, ông Nghinh đề xuất.

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau do thiếu giấy tờ tùy thân, các đại biểu đã nêu ra một số giải pháp. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình, quy chế phối hợp cấp giấy tờ để rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời đơn giản hóa các yêu cầu hồ sơ; áp dụng công nghệ số, tự động hóa một số bước xác minh có thể giúp nâng cao hiệu quả trong công tác cấp phát giấy tờ.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống liên kết dữ liệu giữa các cơ quan như y tế, giáo dục, tư pháp và hộ tịch sẽ giúp giảm thiểu sai sót và đảm bảo tính liên tục trong thông tin của trẻ em; phối hợp liên ngành nhằm đẩy nhanh quá trình cấp giấy tờ, đặc biệt là với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và lợi ích của trẻ em có giấy tờ pháp lý đầy đủ; khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ tham gia sâu rộng hơn trong việc cung cấp hỗ trợ pháp lý và tài chính cho những trường hợp đặc biệt.

Ông Huỳnh Thanh Nhân – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM – cho biết, trẻ em không có giấy tờ tùy thân ngoài việc không được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội mà còn có nguy cơ rơi vào các vấn nạn như lao động sớm, bị khống chế làm việc vi phạm pháp luật. Do đó, việc bảo đảm quyền lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một nhiệm vụ ưu tiên và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội. Chính quyền TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành và tổ chức xã hội để triển khai các giải pháp, đảm bảo không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Theo thống kê, tổng số trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn TP.HCM là 575 em. Qua rà soát cho thấy, số trẻ đang cư trú thực tế trên địa bàn TP là 444 em, số còn lại đã di chuyển về các tỉnh, thành khác. Tính đến sáng 21-11, các đơn vị đã hỗ trợ cấp giấy khai sinh cho 417/444 trường hợp, còn 27 trường hợp chưa được cấp giấy khai sinh.

Hiện nay có 14 quận, huyện đã giải quyết xong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ thuộc đối tượng này; còn 8 đơn vị chưa hoàn thành.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần rà soát và xử lý từng trường hợp trẻ em để đảm bảo ưu tiên không trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa công an và tư pháp trong giải quyết cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – đề nghị các đơn vị tiếp tục quan tâm, khảo sát chặt chẽ số liệu, kịp thời báo cáo các trường hợp khó, phát sinh. TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với các tỉnh, thành gỡ khó trong cấp giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mọi trẻ em.

Tại buổi tọa đàm, các cơ quan TP.HCM cho biết sẽ tăng cường giám sát và đẩy mạnh cải cách thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy tờ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng lộ trình hành động cụ thể, có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo các em có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và tiếp cận được các quyền lợi…

Trần Văn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)