Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp mã số theo dõi lịch tiêm chủng: Trẻ sẽ không bị bỏ sót các mũi tiêm

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương và sẽ triển khai tại tất cả các trạm y tế từ tháng 1-2018. Vậy công tác này ở TP.HCM đã được thực hiện đến đâu, trẻ được hưởng những lợi ích gì khi được cấp mã số theo dõi lịch tiêm chủng…?

Trẻ  được tiêm chủng  tại Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: D.Bình

Giáo dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TT YTDP) TP về vấn đề này.

PV: TP.HCM là một trong số ít các địa phương sẽ triển khai thí điểm cấp mã số cho trẻ em để theo dõi lịch tiêm chủng. Xin ông cho biết, công tác này đã triển khai đến đâu?

– Ông Nguyễn Trí Dũng: Để triển khai thí điểm cấp mã số cho trẻ theo dõi lịch tiêm chủng, ngày 13-10-2016, Sở Y tế TP đã ban hành Kế hoạch số 10108/KH-SYT về việc triển khai hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng quốc gia tại TP.HCM. Theo đó, kế hoạch này được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Quý 4-2016, triển khai sử dụng thí điểm phần mềm tại TT YTDP TP; 2 TT YTDP quận và 22 trạm y tế phường thuộc Q.Bình Tân, Thủ Đức; 2 bệnh viện là Từ Dũ và Hùng Vương. Giai đoạn 2: Từ quý 1 đến quý 3-2017, tập huấn, triển khai sử dụng phần mềm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, TT YTDP TP thực hiện những việc cụ thể như sau: Tháng 10, 11-2016: tập huấn, hướng dẫn sử dụng thử nghiệm tại TT YTDP quận và trạm y tế phường của Q.Thủ Đức và Bình Tân nhằm hoàn thiện, khắc phục các vấn đề khó khăn của phần mềm theo tình hình tiêm chủng thực tế tại TP. Tháng 12-2016: tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 22 quận, huyện và 297 trạm y tế còn lại. Thực hiện chỉ đạo của Cục YTDP, tất cả trạm y tế nhập liệu trẻ sinh 2015-2016 từ sổ quản lý tiêm chủng vào phần mềm. Tháng 3-2017: tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 92 đơn vị thực hiện tiêm chủng dịch vụ (TCDV) trên địa bàn TP. Trong tháng 4-2017, sẽ tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho 14 đơn vị thực hiện cả TCDV và tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Ngay sau khi hoàn thành tập huấn triển khai phần mềm cho tất cả cơ sở trên toàn TP, ngành y tế sẽ cấp mã số cho trẻ em để theo dõi lịch tiêm chủng.

Vậy khi có mã số này, trẻ và phụ huynh sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông? 

– Mã số được cấp ngay khi trẻ vừa sinh ra. Khi trẻ đã có mã thì bất kể trẻ đi tiêm chủng ở đâu, tiêm loại vaccine nào (TCMR hay TCDV) thì các thông tin của trẻ, tiền sử tiêm chủng đều được nhân viên y tế ghi nhận và theo dõi liên tục. Từ đó, mã số này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ trong việc khám và chỉ định tiêm chủng các mũi tiêm tiếp theo cho trẻ (thông tin về tiền sử bệnh tật, tiền sử phản ứng, dị ứng liên quan đến tiêm chủng).

Bên cạnh đó, các thông tin của trẻ trên phần mềm sẽ được thông tin, kết nối với người dân qua các công cụ, phần mềm nhằm giúp nâng cao chất lượng phục vụ như: Cổng thông tin tiêm chủng điện tử dành cho phụ huynh (sổ tiêm chủng điện tử) trên web, app điện thoại… giúp phụ huynh tự theo dõi về quá trình tiêm chủng của trẻ, hiểu thêm các thông tin về vaccine tiêm chủng và lịch tiêm. Phụ huynh cũng có thể đăng ký lịch tiêm trực tuyến, giúp phụ huynh chủ động, thuận tiện trong việc sắp xếp thời gian đưa trẻ đi tiêm chủng. Đồng thời, phần mềm sẽ hỗ trợ các tiện ích tin nhắn mời tiêm, nhắc lịch tiêm tới phụ huynh để giúp trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Xin ông cho biết, TP.HCM hiện có bao nhiêu trẻ trong diện phải chích ngừa, tỷ lệ chích ngừa của trẻ tại TP so với tỷ lệ chung của cả nước là bao nhiêu?

– Năm 2016, TP có 120.000 trẻ dưới 1 tuổi. Số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine là 113.677 trẻ, đạt 94,7%. Mục tiêu của Dự án TCMR quốc gia đặt ra năm 2016 là ≥90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine (phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, VGB, Hib), do đó tỉ lệ này là đạt so với mục tiêu đặt ra.

Thưa ông, nếu không tiêm đầy đủ các loại vaccine, trẻ sẽ gặp những nguy cơ gì?

– Mỗi năm, vaccine ngăn ngừa được 2,5 triệu trường hợp trẻ tử vong trên toàn cầu. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp TCMR đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Nhờ có vaccine mà thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa; bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 4 nước; số trẻ chết vì bệnh sởi năm 2008 giảm 78% so với năm 2000 (từ 750.000 ca xuống còn 164.000 ca tử vong/mỗi năm); số trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm 2,5 triệu trẻ sau khi nhiều nước triển khai đưa vaccine viêm gan B và Hib vào chương trình TCMR sau năm 2000.

Mặc dù tiêm phòng đã giúp làm giảm mạnh số ca mắc các bệnh nguy hiểm, lây nhiễm cao. Tuy nhiên, các loại bệnh có thể phòng ngừa được như bệnh sởi, bạch hầu, ho gà… vẫn còn là mối đe dọa. Hàng năm vẫn có trẻ mắc các bệnh có vaccine phòng, phải nhập viện, bị biến chứng, thậm chí là tử vong. Sự bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa được xảy ra khi nhiều bậc cha mẹ bỏ qua cơ hội hoặc duy trì tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch cho con mình.

Cha mẹ muốn làm mọi thứ để đảm bảo rằng con của họ khỏe mạnh và được bảo vệ khỏi các bệnh có thể ngăn ngừa được thì chủng ngừa là cách tốt nhất để làm điều đó. Tiêm chủng sẵn sàng cho hệ miễn dịch của trẻ khả năng chống lại bệnh trước khi mầm bệnh có cơ hội phát triển và gây bệnh cho trẻ.

Nếu trẻ không được chủng ngừa, ngoài ảnh hưởng đến bản thân sức khỏe tương lai của trẻ mà còn cả kinh tế gia đình (chi phí điều trị, ngày công chăm sóc trẻ bệnh, tinh thần…) và ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do trẻ có thể lây bệnh sang những người khác chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chủng không đầy đủ như những trẻ còn quá nhỏ để được chủng ngừa hoặc những người bị suy yếu miễn dịch (như người nhận ghép tạng và những người bị ung thư…). Điều này có thể dẫn đến các biến chứng dài hạn và thậm chí tử vong cho những người dễ bị tổn thương này.

Vì vậy tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, không chỉ bảo vệ sức khỏe của cá nhân người được tiêm chủng, gia đình người thân xung quanh mà còn cho cả cộng đồng.

Xin cám ơn ông!

Dương Bình (thực hiện)

Bình luận (0)