Vở diễn sân khấu là một loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy việc thẩm định để cấp phép biểu diễn là khâu vô cùng quan trọng
Chặn vở diễn ẩu, yếu
Vở hài kịch "Thanh Xà – Bạch Xà: Ngàn năm tỉnh mộng" vừa bị tuýt còi do các diễn viên tung quá nhiều trò diễn không ăn nhập gì đến nội dung, tính tư tưởng và chủ đề mà vở muốn nói cũng quá mỏng, các diễn viên chỉ chủ yếu khai thác các mảng miếng cốt để gây cười, đáng nói hơn là lồng ghép những câu thoại "hot trend" (xu hướng) có nội dung không phù hợp vào vở diễn.
Đạo diễn Tôn Thất Cần – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thành viên HĐNT – cho biết vở hài kịch này chưa truyền tải được nội dung giáo dục và tính thẩm mỹ đến công chúng, HĐNT yêu cầu ê-kíp phải sửa từ khâu kịch bản. Việc không cấp phép cho vở diễn là hậu quả tất yếu do quá trình đầu tư quá thấp, dẫn đến kịch bản kém chất lượng.
Một cảnh trong vở hài kịch “Thanh Xà – Bạch Xà: Ngàn năm tỉnh mộng”. Ảnh: Thanh Hiệp
Bình luận về động thái trên, nhiều người trong cuộc cho rằng đã đến lúc phải siết chặt công tác cấp phép biểu diễn, bởi lẽ gần đây, một số đơn vị nghệ thuật từ công lập cho đến xã hội hóa có chiều hướng dễ dãi khi đưa tác phẩm chất lượng còn nhiều hạn chế đi phúc khảo, không ít trường hợp rơi vào hoàn cảnh "chuyện đã rồi" nên HĐNT du di bỏ qua và cấp phép biểu diễn như mặc định. "Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả sàn diễn ngày càng kém chất lượng, khán giả không còn hào hứng đến rạp" – NSND Trần Minh Ngọc bức xúc.
Tăng cường hậu kiểm
Thực tế cho thấy nhiều vở diễn sân khấu hiện nay sa sút về chất lượng, theo các nhà chuyên môn để xảy ra tình trạng này thì HĐNT không thể vô can. "HĐNT có quyền yêu cầu tạm thời chưa cấp phép cho một vở diễn, chờ sửa chữa và tổ chức phúc khảo lại. Khi đơn vị làm thủ tục đăng ký tổ chức phúc khảo, có gửi kịch bản văn học, HĐNT cần đọc qua và có ý kiến, định hướng nguồn kịch bản theo đúng diện mạo sân khấu mà TP HCM đang hướng tới" – đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng nêu ý kiến. NSND Trần Minh Ngọc từng yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với những vi phạm của các đơn vị nghệ thuật (cụ thể là người đứng đầu như giám đốc các đơn vị công lập và các bầu show, nhà sản xuất). Theo những người trong cuộc, không thể đổ hết lỗi cho HĐNT khi chất lượng các tác phẩm sân khấu hiện nay xuống cấp, mà phần lỗi còn đến từ công tác hậu kiểm của Sở VH-TT TP HCM. HĐNT chỉ làm công tác tham mưu cấp phép, còn quyết định thuộc về sở.
"Cái khó không phải là chủ đề tư tưởng hay chuyện thuần phong mỹ tục bị vi phạm, mà do chất lượng nghệ thuật từ khâu đầu tư. Sau khi được cấp phép thì đơn vị lại tự ý thay đổi cảnh diễn, thay đổi diễn viên, chỉnh sửa tình huống, lời thoại, thậm chí còn viết thêm những lời thoại hoặc câu ca dẫn đến sai lệch rất nhiều so với bản dựng phúc khảo. Công tác hậu kiểm cần phải được tăng cường để bảo đảm chất lượng nghệ thuật, ngăn chặn sự chủ quan của nghệ sĩ khi tham gia vở" – NSND Trần Minh Ngọc thông tin.
Theo NSƯT Lê Thiện, HĐNT phải có nhiệm vụ góp ý cho đạo diễn và đơn vị nghệ thuật sửa chữa, nâng chất lượng vở diễn đến mức tốt nhất trong khả năng để có thể công diễn; ngoài ra còn phải có trách nhiệm lên tiếng, cảnh báo các xu hướng lệch lạc đang bị lạm dụng: "Thời gian qua, HĐNT đã dễ dãi, cho ra đời nhiều vở kịch thuộc đề tài đồng tính, ma quỷ, khai thác bạo lực hay bên cải lương thì quá nhiều vở khai thác lịch sử Trung Hoa, dựa theo phim kiếm hiệp".
Theo các nhà chuyên môn, cần siết chặt việc xử phạt những sai phạm với quy định cụ thể, rõ ràng, dựa theo luật pháp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý, thậm chí phải ra hầu tòa.
Các nhà chuyên môn cho rằng nhà nước cần có kế hoạch đầu tư, tạo điều kiện để các sân khấu tư nhân được nâng tầm. Họ chạy theo thị hiếu, phải tự bơi để nuôi sống cả đoàn hát, do vậy rất cần sự đầu tư để giúp nâng cao chất lượng các vở diễn. |
Bình luận (0)