Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cấp sinh hoạt phí có hút người giỏi vào sư phạm?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên sư phạm sau khi ra trường làm việc tối thiểu 5 năm trong ngành sẽ không phải trả lại khoản vay tín dụng sư phạm. Có nghĩa, không chỉ miễn học phí như trước đây, sinh viên sư phạm còn được cấp thêm sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng. 
Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay /// Đào Ngọc Thạch
Thí sinh làm thủ tục đăng ký nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay. Ảnh Đào Ngọc Thạch
Điều này sẽ thành hiện thực nếu dự thảo nghị định Chính phủ quy định chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm (SP) được thông qua trong thời gian tới.
Mượn thay vì miễn học phí
Theo dự thảo nghị định này, người theo học SP sẽ có chính sách tín dụng SP, tức cho vay để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong toàn khóa học. Cụ thể, mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên (SV) theo học và sinh hoạt phí tối đa 3,5 triệu đồng/tháng (thời gian vay không quá 10 tháng/năm học với lãi suất 0,5%/tháng).
Cũng theo dự thảo này, người học ra trường làm trong ngành SP tối thiểu 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay. Sau 2 năm từ khi tốt nghiệp mà không công tác trong ngành mới phải hoàn trả. Còn người không vay tín dụng nhưng ra trường công tác đủ 5 năm trong ngành cũng được bồi hoàn chi phí đào tạo.
Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia, so với quy định đã lỗi thời của chính sách miễn học phí SP hiện hành, rõ ràng chính sách này có nhiều ưu việt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ủng hộ việc miễn học phí và thay bằng “mượn học phí”. Theo tiến sĩ Hồng, đầu tư ngân sách cho SV ngành SP trong thời gian qua chưa gắn chặt với trách nhiệm người thụ hưởng. Việc “cho mượn” có điều kiện vừa duy trì chính sách ưu tiên dành cho các đối tượng đặc biệt vừa đảm bảo định chế tài chính ngoài nhà trường thông qua hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng.
Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, chính sách này đã có sự tiến bộ hơn, vẫn ưu đãi riêng cho sinh viên SP nhưng không còn cào bằng như trước đây khi chỉ những người gắn bó thực sự với nghề mới được hưởng ưu đãi.
Cấp học bổng hay sinh hoạt phí ?
Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH Sài Gòn vẫn cho rằng, để tạo thêm sự đột phá và tránh cào bằng thì nên chuyển sang cấp học bổng thay vì cho vay sinh hoạt phí. “Khi chuyển thành học bổng thì chỉ những SV giỏi mới được nhận. Chỉ nên có khoảng 30% SV tốp đầu được cấp học bổng 3,5 triệu đồng/tháng này; 20% SV giỏi tiếp theo được nhận 50% số học bổng trên và số còn lại chỉ được vay học phí. Có như vậy mới tránh được sự cào bằng và tạo động lực học tập cho SV”, lãnh đạo này đề xuất.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ủng hộ chính sách này và cho rằng sẽ có nhiều học sinh ở các tỉnh yêu thích và lựa chọn nhóm ngành SP. Việc cho vay này sẽ tạo cơ hội học tập tốt hơn với học sinh giỏi nhưng có điều kiện kinh tế chưa tốt tham gia học tập.
Cần chính sách ưu đãi như ngành công an, quân đội
Tán đồng quan điểm chính sách này cần và tốt nhưng tất cả ý kiến đều cho rằng, để hút người giỏi học và làm việc trong ngành SP thì những ưu đãi này vẫn chỉ giải quyết phần ngọn.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: “Học phí chỉ là phần ngọn, gốc vẫn là chính sách lương cho giáo viên”.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Sài Gòn cũng cho rằng ngay cả khi cấp sinh hoạt phí vẫn chỉ giải quyết được một nửa vấn đề trong những bất cập đào tạo giáo viên hiện nay. “SV sẽ vui khi được vay tiền học nhưng lại đắn đo nếu nghĩ tới bối cảnh ra trường muốn mà không tìm được việc để làm trong ngành rồi phải quay sang trả nợ các khoản vay. Chỉ khi nào ngành giáo dục làm được việc phân công nhiệm sở với SV có thứ hạng giỏi từ cao xuống thấp vào các cơ sở y tế của TP.HCM cho SV tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khi đó mới hút người giỏi thực sự”, người này nói.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cũng nhìn nhận chính sách này chưa đủ mạnh để hút người tinh hoa vào SP. “Nhìn vào kinh nghiệm đào tạo khối ngành quân đội, không chỉ miễn học phí mà còn ăn ở, việc làm. Chính sách ưu đãi ngành SP cần được thực hiện như với khối ngành quân đội vì nếu không hút được tinh hoa vào SP thì giáo dục không phát triển được”, tiến sĩ Tùng kiến nghị.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM phân tích: “Có 2 chi tiết cần lưu ý thêm là đang thừa giáo viên tại nhiều tỉnh, thành và thu nhập của giáo viên quá thấp so với thu nhập của nhiều ngành nghề khác. Khi chọn trường, bên cạnh sự phù hợp, yêu thích với ngành nghề thì câu hỏi tiếp theo sẽ là liệu khi tốt nghiệp, họ có cơ hội việc làm, thu nhập và có thể sống bền bỉ với nghề hay không?”.
Từ góc nhìn thực tế từ trường phổ thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), chia sẻ: “Học phí thực ra không phải vấn đề quyết định với nhiều học sinh thời nay nếu đưa lên bàn cân chọn ngành nghề. Điều khiến học sinh tâm tư khi chọn học SP là không có chỗ làm. Ngay ở một số địa phương hiện nay việc điều chuyển, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cũ trong ngành vẫn còn nhiều khó khăn thì làm sao nói chuyện tuyển mới”. 
Ý kiến
Hữu ích với nhiều sinh viên
Trước đây, khi nghe nhiều ý kiến đề xuất việc bỏ hẳn chính sách miễn học phí cho SV SP tụi em cũng cảm thấy nhiều băn khoăn. Việc ra đời dự thảo chính sách tín dụng SP này theo em là cần thiết. Bạn bè em nhiều người đến đây học từ các địa phương khác nhau, nên chính sách này thật sự hữu ích.
Khánh Hà 
(SV ngành SP toán Trường ĐH SP TP.HCM)
Lo lắng tìm nơi dạy học
Nếu mỗi tháng, ngoài học phí SV còn được vay thêm tối đa 3,5 triệu đồng để phục vụ sinh hoạt, không ít SV sẽ không cần phải lo lắng chuyện làm thêm mà tập trung học tập. Nhưng nếu hỏi về chính sách cho người học SP, theo em chỉ dừng ở đây là chưa đủ. Dù mới năm thứ 2 nhưng ngay thời điểm này em đã rất lo lắng về khả năng tìm được nơi dạy học.
Mạnh Dũng
 (SV ngành SP tiếng Anh Trường ĐH SP TP.HCM)

Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)