Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp thiết chuyển đổi số trong ngành y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyển đổi số trong ngành y là hoạt động cấp thiết nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ trong chuyên môn mà còn trong quản lý, giám sát và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu.


Không chỉ cần giải pháp công nghệ trong chuyên môn chăm sóc, điều trị, ngành y tế TP.HCM còn cần giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả hơn

TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho biết, TP.HCM đang thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số. Hoạt động này ngày càng phát triển để giúp công tác quản lý điều hành của thành phố ngày càng tốt hơn. Thời gian qua, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã ký kết hợp tác với mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung, chuyển đổi số nói riêng giúp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong hoạt động đó có hình thức thường xuyên gặp gỡ cộng đồng có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là các startup đang có nhiều ý tưởng sáng tạo. Qua đó, Sở Y tế TP.HCM chia sẻ những vấn đề hiện nay đang gặp phải để cùng nhau thiết kế giải pháp. “Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã đặt hàng các chuyên gia, doanh nghiệp giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho X-quang phim phổi và hiện nay cũng đã có nhóm nghiên cứu. Chúng tôi mong muốn có những sản phẩm để có thể ứng dụng và triển khai ngay cho ngành y tế nhằm thực hiện chuyển đổi số theo nhu cầu của ngành”, ông Dũng kỳ vọng.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành y tế là một trong những hoạt động lớn. Hầu như các cơ sở khám chữa bệnh đều có hoạt động này từ cấp độ thấp là những sáng kiến trong công việc và cao nhất là những thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm kỹ thuật mới trong công tác nghiên cứu về điều trị, về y học. “Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ rất mạnh tại các đơn vị, tuy nhiên, mỗi bệnh viện tự xây dựng quy trình dẫn đến việc chưa kết nối được với nhau, quản lý thủ công và khá tốn kém. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM rất cần giải pháp công nghệ thông qua chuyển đổi số, từ đó sẽ quản lý tốt hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành”, ông Châu cho biết. 

Nhu cầu về chuyển đổi số trong quản lý khoa học công nghệ của ngành y tế là cấp thiết và rất cần sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, startup về công nghệ. Bác sĩ Bùi Nguyễn Thanh Long (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM) cho rằng với mạng lưới y tế hiện tại, giải pháp công nghệ không chỉ cho chuyên môn chăm sóc, điều trị mà còn trong quản lý, điều hành. Theo bác sĩ Long, TP.HCM hiện có 133 bệnh viện, gồm 12 bệnh viện bộ/ngành, 66 bệnh viện tư nhân, 32 bệnh viện thành phố và 23 bệnh viện quận/huyện. Ngoài ra còn có 22 trung tâm y tế quản lý 310 trạm y tế; hơn 7.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Trước mắt, sở cần giải pháp quản lý và trích xuất thông tin liên quan đến các đề tài nghiên cứu. Cụ thể, bệnh viện A. thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng và đưa lên hệ thống tên đề tài, thời gian thực hiện, số ca đã tham gia thử nghiệm… Đây là những dữ liệu giúp giám sát các biến cố bất lợi với bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Cũng theo ông Long, khó khăn nhất hiện nay trong việc giám sát các nghiên cứu khoa học là thiếu cơ sở dữ liệu. Ví dụ, muốn biết năm 2022 các đơn vị có bao nhiêu nghiên cứu lâm sàng, lĩnh vực nào thì phải tìm theo cách thủ công. Khi chia sẻ dữ liệu trong nghiên cứu các đơn vị cũng không có, phải đi khảo sát thu thập từ đầu, trong khi đó dữ liệu này đã có sẵn gây lãng phí tài chính và nguồn lực. Sở Y tế TP.HCM mong muốn có giải pháp quản lý nghiên cứu khoa học với các mục tiêu cụ thể đặt ra. Tuy nhiên, giải pháp có thể bổ sung thêm nhiều tính năng hay hơn, mới hơn. Đặc biệt là có khả năng phát triển, nâng cấp và kết nối với App hoặc phần mềm của Bộ Y tế cũng như các đơn vị khác có liên quan.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thương (chuyên gia công nghệ) khẳng định, nghiên cứu giải pháp công nghệ cho ngành y tế trong tầm tay của các chuyên gia và đã có nhiều nhóm, cá nhân làm. Tuy nhiên, các phần mềm, App quản lý khoa học công nghệ trong ngành y tế cần theo một quy chuẩn chung, nếu mỗi địa phương làm một kiểu thì khó mà kết nối chia sẻ dữ liệu về sau. Như vậy, trước hết phải có quy chuẩn từ Bộ Y tế, từ đó theo quy trình – con người – công nghệ. Tương tự, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng để tiết kiệm thời gian và tài chính cũng như thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, việc quản lý khoa học công nghệ cần có Data chuẩn hóa đồng nhất về thông tin quản lý và link được kết nối với các nguồn khác, điều này không khó với chuyên gia công nghệ. Thêm một mảng nữa mà các chuyên gia công nghệ cần thiết kế giải pháp đó là ứng dụng AI đọc (cả tiếng Việt và tiếng Anh) và phân loại các đề tài nghiên cứu.

Bài, ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)