Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại hội nghị
|
Sáng 7-6, đã diễn ra hội nghị trực tuyến về di dời các trường ĐH, CĐ từ nội thành ra ngoại thành tại Hà Nội và TP.HCM. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị.
Quy hoạch, di dời là cần thiết
Hiện nay trên cả nước có 188 trường ĐH và 266 trường CĐ với trên 2 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) theo học. Từ nay tới năm 2020 cả nước cần khoảng 4,5 triệu lao động chất lượng cao (tốt nghiệp CĐ, ĐH) với bình quân 400 SV/ 1 vạn dân. Với kế hoạch đào tạo nguồn lao động chất lượng cao như trên, về CSVC của các trường hiện hữu sẽ không đảm bảo về nhu cầu học tập, rèn luyện của HSSV với tiêu chí 65m2/SV. Do đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ và di dời các trường từ khu vực nội thành ra ngoại thành là nhu cầu tất yếu để đáp ứng về nhu cầu dạy và học. “Mục đích của việc di dời không chỉ tháo gỡ khó khăn về đất đai cho các trường mà còn cải thiện môi trường sư phạm, đầu tư CSVC kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng xã hội của hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, khai thác và huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục ĐH, mà còn nhằm xây dựng các mô hình trường ĐH hiện đại, tiên tiến theo kịp các nước phát triển… Việc quy hoạch và di dời các trường CĐ, ĐH sẽ cần tới 25.300 hecta. Hiện nay cả nước cần tới 9.000 hecta đất bổ sung vào mạng lưới quy hoạch các trường CĐ, ĐH trên cả nước”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.
Liên quan đến việc quy hoạch và di dời hệ thống các trường nghề trên cả nước, đại diện Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH trăn trở: “Qua 10 năm thực hiện qui hoạch, mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển rộng khắp trên cả nước, số trường nghề tăng 2,71%, số các trung tâm dạy nghề (TTDN) tăng 5,4 lần. Xóa được tình trạng không có trường dạy nghề trên địa bàn 15 tỉnh và không có TTDN tại 40 tỉnh, TP. Tuy nhiên, hệ thống các trường CĐ nghề, TC nghề phát triển chưa đều giữa các vùng miền trong cả nước. Hiện nay trên cả nước còn trên 100 huyện chưa có TTDN. CSVC của các cơ sở dạy nghề còn nhỏ, cơ cấu tuyển sinh vào các trường CĐ nghề, TC nghề gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý của PHHS không muốn con em mình học nghề… Từ nay tới 2025 sẽ phấn đấu có 200 trường CĐ nghề (60 trường ngoài công lập), 300 trường TC nghề và 920 TTDN. Mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường CĐ nghề, TC nghề và 1 TTDN kiểu mẫu. Mỗi trường có ít nhất 3 nghề đạt trình độ của các nước phát triển trên thế giới và 21 trường đạt đẳng cấp khu vực ASEAN…”.
Hỗ trợ “đầu tư đến chân hàng rào” cho các trường di dời
Ông Ga tiếp lời: “Việc di dời các trường từ nội thành ra ngoại thành của hai TP.HCM và Hà Nội là 40 trường/TP, sẽ tiến hành theo ba giai đoạn: 2011-2015 di dời từ 5 đến 10 trường; 2015-2020 từ 10 đến 15 trường và từ 2020-2025 là số trường còn lại với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ USD. Riêng việc nâng cấp các trường từ CĐ lên ĐH sẽ không thực hiện đối với những trường CĐ chưa có quy hoạch, phân bổ đất. Những trường phải di dời sẽ dựa trên 5 tiêu chí sau: Những trường không có ngành đặc thù (âm nhạc, mỹ thuật); Những trường không có nhiều ý nghĩa, bề dày về văn hóa, lịch sử; Các trường không đảm bảo 25m2/SV; Không đảm bảo về CSVC phục vụ cho văn hóa, thể thao, cây xanh… gây quá tải cho xã hội (kẹt xe, không có KTX) và những trường được giao đào tạo hệ ĐH nhưng đào tạo hệ TC nhiều hơn chỉ tiêu được giao”. Tuy nhiên với kế hoạch này, đại diện Bộ Tư pháp vẫn còn lo ngại: “Về cơ bản, đồng ý với kế hoạch của hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH nhưng việc quy hoạch phải làm sao cho rõ ràng minh bạch để các trường cùng biết và có lộ trình di dời, cũng như có chế độ khuyến khích (được chọn khu vực ưu tiên nếu tự nguyện di dời sớm) và có cho các trường cơ chế tự chủ, được lựa chọn hình thức BOT, BT… Kế hoạch di dời phải có tính công bằng và rõ ràng, tránh tình trạng “trâu chậm uống nước đục” và phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất lượng đào tạo của các trường. Việc phát triển thêm các trường mới (chủ yếu thuộc các địa phương) có phù hợp với nghị quyết của Quốc hội hay không? Vì nếu thành lập mới, địa phương phải đảm bảo có nguồn ngân sách tự chủ để xây dựng CSVC… các trường này. Đặc biệt, nên thành lập một ban chỉ đạo cấp quốc gia về việc di dời các trường”. Trấn an các bộ về quỹ đất di dời các trường từ nội thành ra ngoại thành, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội chia sẻ: “TP. Hà Nội đã chuẩn bị từ 3.000 đến 3.500 hecta đất (vượt đề nghị của Bộ GD-ĐT là trên 1.000 hecta) cho việc di dời các trường”. Cùng tạo thuận lợi cho các trường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận quả quyết: “Về nguồn đất TP đã chuẩn bị trên 2.000 hecta đất cho các trường phải di dời từ nội thành ra ngoại thành. TP.HCM quyết tâm đến hết năm 2020 sẽ di dời hết 40 trường CĐ, ĐH không đảm bảo 5 tiêu chí như Bộ GD-ĐT đã đề xuất những kiến nghị với Chính phủ nên có kế hoạch đầu tư đồng bộ về giao thông, hạ tầng kỹ thuật cho các trường này như đang đầu tư cho các KCN, KCX, khu công nghệ cao… Đó là “đầu tư đến chân hàng rào” để các trường an tâm và tin tưởng di dời ra ngoại thành”.
Kết thúc hội nghị Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Hai bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH phải hoàn thiện về mạng lưới quy hoạch có con số chung và thống nhất không để xảy ra tình trạng “khập khiễng” về con số như trong báo cáo tại hội nghị lần này và trình kế hoạch hoàn chỉnh trước ngày 20-6. Các bộ khác căn cứ vào chiến lược phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành, để rà soát và qui hoạch lại mạng lưới do bộ mình quản lý. Về quy hoạch, di dời các trường CĐ, ĐH, các bộ, tỉnh, TP phải hoàn thành kế hoạch trong tháng 7-2011 để trình Chính phủ”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)