Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cấp thiết phát triển khung năng lực số cho học sinh THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Yêu cầu về phát triển năng lực số gắn liền với năng lực nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT được ngành giáo dục TP.HCM đặt ra, xem như nhiệm vụ cấp thiết.

Ngành giáo dục TP.HCM đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng khung năng lực số cho học sinh THPT

Chuyển đổi số đòi hỏi về năng lực số

Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá, chuyển đổi số mang lại những thay đổi hiệu quả trong quá trình dạy và học, cải thiện quá trình học tập, giúp cá nhân hóa học tập, tạo ra môi trường học tập linh hoạt và tùy chỉnh dựa trên nhu cầu học tập của từng học sinh. Chuyển đổi số trong giáo dục đòi hỏi năng lực số ở học sinh phải đạt mức độ nhất định, có kiến thức nền tảng về sử dụng máy tính, sử dụng các phần mềm phục vụ học tập ở mức căn bản; đồng thời phải trang bị được khả năng tìm kiếm và lựa chọn thông tin hiệu quả từ các nguồn trực tuyến, bao gồm khả năng đánh giá độ tin cậy và tương thích của thông tin. Đây là phẩm chất quan trọng của người nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thông qua phát triển năng lực số, định hướng nghề nghiệp cho học sinh hiệu quả và phù hợp với năng lực chuyên môn của học sinh hơn.

Từ yêu cầu đó, ông Quốc đề xuất khung năng lực số cho học sinh THPT (bao gồm văn hóa số), một yếu tố quan trọng khi xây dựng cách hành xử và thói quen sử dụng môi trường số cho học sinh ở trường THPT, gồm 8 năng lực: Kiến thức cơ bản về thiết bị kỹ thuật số, xử lý thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác, kiến tạo nội dung số, an toàn kỹ thuật số, giải quyết vấn đề, văn hóa số, năng lực định hướng liên quan đến nghề nghiệp. “Việc phát triển năng lực số của học sinh THPT nhằm cập nhật các kiến thức công nghệ thông tin trong việc áp dụng công nghệ để xác định và giải quyết các vấn đề phức tạp; đồng thời rèn luyện thái độ ham học hỏi, tìm hiểu, cập nhật kiến thức mới, những phẩm chất và kỹ năng trong phát triển năng lực số rất cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong giai đoạn chuyển đổi số giáo dục mạnh mẽ, phù hợp với định hướng và mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Quốc nhấn mạnh.

TS. Lê Văn Thiện (Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh) cho rằng phát triển năng lực số gắn liền với nghiên cứu khoa học cho học sinh THPT không chỉ giúp các em chuẩn bị cho yêu cầu của thời đại công nghệ số mà còn phù hợp với các mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năng lực số chính là nền tảng để hình thành và phát triển các năng lực này một cách toàn diện. Học sinh có năng lực số tốt sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm, xử lý thông tin, phân tích và đánh giá dữ liệu, từ đó hình thành tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn và tiến xa hơn là hình thành các thành phần năng lực trong khung năng lực số cho học sinh đảm bảo sự thích nghi phù hợp cho học sinh với yêu cầu đổi mới của thời đại số.

Do đó, TS. Thiện nhấn mạnh, việc phát triển năng lực số cho học sinh trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, giúp các em nắm vững kỹ năng sử dụng công nghệ, khai thác và xử lý thông tin, cũng như giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả trong môi trường số. Đây chính là nền tảng vững chắc để các em tự tin trong học tập, nghiên cứu và xây dựng một tương lai bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo TS. Thiện, để phát triển năng lực số cho học sinh THPT phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường cần đổi mới phương pháp dạy học, lồng ghép nội dung giáo dục năng lực số vào các môn học, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ số. Gia đình cần tạo điều kiện cho con em tiếp cận với thiết bị và môi trường số an toàn, lành mạnh. Xã hội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực số, xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển năng lực số cho học sinh.

Thay đổi bắt đầu từ “chuyển đổi” chứ không phải “số”

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu (Trưởng phòng GD-ĐT Q.11), tỷ lệ trường học tại TP.HCM được trang bị phòng máy tính tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh; hệ thống internet cũng được phủ rộng khắp các trường, các phần mềm học tập đa dạng và phổ biến. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế, chưa đồng đều. Một số khu vực, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành, nơi chưa tiếp cận tốt đến internet và thiết bị công nghệ số, tạo ra khoảng cách số hóa so với các quận trung tâm cùng với mức độ học sinh tham gia các hoạt động liên quan đến công nghệ chưa đồng đều.

Để phát triển năng lực số, ông Hiếu cho rằng các trường cần thiết lập nguồn tài nguyên số (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, công cụ đánh giá trực tuyến…); thiết lập và vận hành hệ thống quản lý học tập LMS; xây dựng và vận hành các công cụ đánh giá trực tuyến; thiết lập các diễn đàn học tập và nghiên cứu; hình thành hệ sinh thái học tập, xây dựng và vận hành các kênh hỗ trợ người học theo mô hình dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, xây dựng chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho học sinh; biên soạn sổ tay hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong học tập theo lộ trình cho học sinh. Đặc biệt, lãnh đạo các trường xác định chuyển đổi số cần tập trung vào hai lĩnh vực chính trong nhà trường là quản lý và tổ chức quá trình dạy – học. Chỉ đạo và thực hiện trang bị cơ sở hạ tầng cho một hệ sinh thái số, môi trường của giáo dục thông minh từ hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị thông minh, hệ thống phần mềm và các ứng dụng cung cấp dữ liệu cho Big Data… cần có lộ trình đầu tư thích hợp theo nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của từng trường. Song song đó, tổ chức nâng cao nhận thức, hiểu thống nhất về chuyển đổi số trong giáo dục và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, từ đó thống nhất về nhận thức trong toàn trường.

“Chuyển đổi số cần bắt đầu từ “chuyển đổi”, bởi thực tế nhiều đơn vị đã nhận được những bài học đắt giá khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ yếu tố “số”, chỉ quan tâm đến nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị. Quá trình “chuyển đổi” cần diễn ra từ nhận thức, quá trình quản lý, phương pháp làm việc… Đối với hoạt động đào tạo cần đặc biệt chú ý đến phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp tương tác trên môi trường số”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Hiếu cũng lưu ý, cần nghiên cứu để đi đến thống nhất khung năng lực số cho học sinh trung học để làm căn cứ xây dựng, bởi việc bồi dưỡng năng lực số cho học sinh trung học hoàn toàn có thể được tích hợp thông qua giảng dạy các môn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như công nghệ, toán, vật lý, hóa học, sinh học… Đặc biệt, môn tin học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bồi dưỡng năng lực số cho học sinh trung học.

Bài, ảnh: Đỗ Yến

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)