Khoa học - Công nghệ

Cấp thiết xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về AI ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cấp thiết xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học đặt ra tại Hội thảo Pháp luật về trí tuệ nhân tạo, sáng 4-1.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội phối hợp Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức, nhằm góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo định hướng chiến lược nêu trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ là ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030” là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống.

GS.TS Phan Trung Lý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU đánh giá, những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng, nhu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật về AI đã và đang trở nên cấp thiết. Việc hoàn thiện pháp luật về AI phải được xuất phát từ yêu cầu tạo hành lang pháp lý để AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và để bảo đảm được con người có điều kiện an toàn hơn trong việc phát triển và sử dụng AI.

Ở Việt Nam, AI đã và đang từng bước đi vào đời sống con người, ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Đồng thời khẳng định tính đột phá, tạo đà phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới và thứ 5/10 quốc gia trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.

“Cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của AI đã và đang dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý. Điều đáng quan ngại nhất là ngày càng xuất hiện và phổ biến việc AI bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về AI ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết, nhằm quản trị AI để phát huy được những yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực…”, GS.TS Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Theo ông, Việt Nam cần nghiên cứu cách tiếp cận của các quốc gia điển hình trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng chính sách pháp luật về AI cho Việt Nam…, có quy định cho phép thực hành thí điểm (theo cơ chế Sandbox) một số chính sách đặc thù đối với một số ngành phát triển đặc thù…

Nêu tổng quan về AI tại hội thảo, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thông tin, AI là một lĩnh vực khoa học công nghệ, đa dạng với nhiều nhánh và ứng dụng khác nhau. Sự phát triển không ngừng của các nhánh này không chỉ thúc đẩy khoa học công nghệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống con người, tạo ra những cơ hội, thách thức mới trong tương lai.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội

Trên thế giới Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia ở châu Á đã xây dựng được khung pháp lý, chính sách, quy định về AI.

Riêng tại Việt Nam, theo ông, đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong hành trình phát triển AI. Cụ thể, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với hơn 50% dân số Việt Nam dưới độ tuổi 35, xu hướng tiếp cận công nghệ nhanh tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển và ứng dụng AI. Hệ thống giáo dục của Việt Nam cũng đã có những cải cách đáng kể, thúc đẩy việc giảng dạy các ngành liên quan đến công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu; Chính phủ xác định AI là một trong những chiến lược ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030; Môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; Việt Nam đang nằm trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu…

Đông đảo các chuyên, nhà khoa học đầu ngành tham gia trong hội thảo

Về những thách thức, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh chỉ rõ: Hạ tầng CNTT và truyền thông chưa đồng bộ, thiếu hụt ở nhiều vùng, nhiều miền, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và ứng dụng AI; Nguồn nhân lực AI còn khan hiếm; Đặc biệt sự cạnh tranh về AI từ các quốc gia phát triển…

“Việc phát triển AI ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là một bài toán công nghệ mà còn là thách thức pháp lý lớn. Các vấn đề về sở hữu trí tuệ, trách nhiệm pháp lý, bảo vệ dữ liệu và đạo đức là những yếu tố quan trọng cần được giải quyết để tối ưu hóa lợi ích từ AI. Để đáp ứng được những thách thức này, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng nhằm hỗ trợ cho việc phát triển AI, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, xã hội. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế để xây dựng quy chuẩn về đạo đức trong phát triển AI, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của công nghệ” – PGS.TS Lê Bộ Lĩnh nêu.

Yến Hoa

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)